Theo Live Science, Supersaurus là một khủng long sauropod - nhóm khủng long cổ dài, 4 chân khổng lồ - sống vào kỷ Jura và Phấn Trắng. Bộ xương hóa thạch vừa được sắp xếp hoàn chỉnh cho thấy nó dài tới 39 mét và nếu đứng thẳng cổ thì sẽ cao tận 42 mét.
Chân dung Supersaurus - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Arizona
Hóa thạch 150 triệu năm tuổi được dùng trong nghiên cứu lần này đã được tìm thấy từ năm 1972, nhưng hoàn toàn là một mớ hỗn độn, trộn lẫn giữa 3 cá thể khủng long to lớn như nhau.
Nhà cổ sinh vật học Brian Curtice từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Arizona (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu cho biết các hóa thạch được tìm thấy bởi ông Jim Jensen, một chuyên viên về khủng long của Đại học Brigham Young ở Utah tại Mỏ khủng long Dry Mesa (Colorado).
Thứ gây ấn tượng đầu tiên là một phần xương dài 2,4 mét, là một trong 2 mảnh xương khi hợp nhất sẽ tạo nên xương đòn của khủng long trưởng thành. Trong mớ hóa thạch bị trộn lẫn này ngoài các phần hài cốt Supersaurus còn có hài cốt của một con Ultrasauros và một con Dystylosaurus, cũng là 2 sauropod nhưng chưa khổng lồ bằng "quái vật" 39 mét vừa được xác định.
Các nhà cổ sinh vật học từ nhiều viện, trường, bảo tàng khác nhau đã mất tới 5 thập kỷ để nhặt ra từng phần hóa thạch và ghép chúng thành 3 con khủng long. Từng có rất nhiều cuộc tranh cãi nổ ra để cố xác định xem xương nào thuộc về con nào và 3 con này có thực sự là 3 loài nói trên hay không.
Rất may mắn, bộ xương của loài thú vị nhất là Supersaurus là một bộ xương hoàn chỉnh, phản ánh được độ dài ngoạn mục. Quái vật này có chiếc cổ dài tới 15 mét và đuôi dài 18 mét. Một hóa thạch cùng loài khác với biệt danh "Goliath" cũng được khai quật tại một "mỏ khủng long" khác tại Wyoming, nhưng kích thước của Goliath nhỏ hơn một chút.
Bình luận (0)