Theo Science Alert, viên kim cương mang nhiều lỗ hổng chứa dấu vết của ringwoodit, ferrropericlase, enstatit và các khoáng chất khác cho thấy thế giới tự nhiên đã đúc ra nó phải nằm cách bề mặt Trái Đất tận 660 km.
Ringwoodit, một loại magie silicat, không phải thứ quá lạ lùng đối với những viên kim cương chui lên từ lớp phủ, tuy nhiên ringwoodit trong viên báu vật siêu sâu này lại là một thứ hoàn toàn khác biệt, với bản chất ngậm nước. Một khoáng chất khác bên trong nó là brucite cũng có tính ngậm nước.
Những "vết sẹo" trong viên kim cương lạ lùng này biến nó thành báu vật vô song - Ảnh: Tingting Gu
Điều này cho thấy nơi nó ra đời phải là một môi trường ngập nước, nhiều nước các đại dương trên bề mặt Trái Đất, hoàn toàn khác biệt so với suy nghĩ trước đây về một địa cầu cằn cỗi trông như "hỏa ngục" dưới chân chúng ta.
Theo Live Science, viên kim cương này được đào ở một mỏ kim cương thuộc địa phận Botswana, ban đầu trông như một thứ kém giá trị vì lẫn tạp chất.
Thế nhưng những "vết sẹo" đó thực ra là 12 thể chứa khoáng chất vô cùng quý giá với khoa học, mà các tác giả đã sử dụng quang phổ Raman vi mô và nhiễu xạ tia X để xác định bản chất.
Theo nhóm tác giả dẫn đầu bởi nhà vật lý khoáng sản Tingting Gu từ Viện Đá quý New York và Đại học Purdue - Mỹ, trước đây người ta từng tìm thấy bằng chứng của nước từ các khoáng chất có nguồn gốc từ lớp phủ sâu được vô tình đưa lên mặt đất, nhưng nó quá ít ỏi và rất có thể có được nhờ một túi nước rất nhỏ, hiếm hoi.
Viên kim cương chỉ 1,5 carat, lẫn tạp chất, nhưng có thể chứa nhiều dữ liệu chấn động - Ảnh: Tingting Gu
Một số kim cương sâu từ lớp phủ trên cũng từng hé lộ rằng chúng được đúc trong môi trường giàu chất lỏng.
Thế nhưng đây là lần đầu tiên những viên kim cương siêu sâu với các tập hợp khoáng chất như vậy được tìm thấy, như bằng chứng rõ ràng nhất rằng thế giới có nước bên trong Trái Đất vô cùng lớn, kéo đến tận 660 km trong lớp phủ sâu.
Trái Đất của chúng ta, từ nơi chúng ta đang đứng, gồm 5 lớp chính là lớp vỏ, lớp phủ nông, lớp phủ sâu, lõi ngoài, lõi trong.
Viên kim cương vô song này đã ra đời trong một thủy cung nằm ngay gần nơi tiếp giáp giữ lớp phủ sâu và lõi ngoài nóng bỏng.
Một giả thuyết được đưa ra là Trái Đất của hiện tại đang tự kiến tạo một "thủy cung" ngày càng lớn bên trong bằng cách hút nhiều nước hơn trước đây và các nhà khoa học hy vọng những phát hiện như thế này sẽ dần hé lộ câu trả lời.
Các kết quả vừa được công bố trên tạp chí Nature Geoscience.
Bình luận (0)