Hình ảnh tổng hợp mới được tạo ra từ tàu vũ trụ Cassini của NASA là những hình ảnh hồng ngoại toàn cầu chi tiết nhất về mặt trăng Enceladus của Sao Thổ. Và dữ liệu được sử dụng để xây dựng những hình ảnh đó cung cấp bằng chứng mạnh mẽ rằng bán cầu Bắc của mặt trăng đã được đóng băng lại từ bên trong của nó.
Các hình ảnh hồng ngoại về Enceladus, "mặt trăng sự sống" được NASA săn sóc kỹ lưỡng - ảnh: NASA
Trước đó, những vằn hổ ma quái đã được phát hiện ở cực Nam của hành tinh, nơi hơi nước và băng từ đại dương ngầm liên tục phun lên. Tín hiệu hồng ngoại của cực Bắc tuy không rõ ràng bằng, không thành vằn hổ đỏ, nhưng cũng là loại tín hiệu tương tự. Điều này cho thấy hiện tượng giống ở cực Nam đã từng xảy ra ra cách đây không lâu, trước khi bề mặt được tái tạo lại.
Quá trình tái tạo này phải do các tia băng hoặc do sự chuyển động dần dần của băng qua các vết đứt gãy trong lớp vỏ - bằng chứng sống động cho cái gọi là "hoạt động địa chất".
Từ lâu, hoạt động địa chất đã được coi là điều kiện cần thiết để một thiên thể có thể nuôi dưỡng sự sống. Hầu hết các hành tinh trong Hệ Mặt Trời đã "chết", tức ngừng hoạt động địa chất. Hiện tại chỉ có Trái Đất và mặt trăng Io của Sao Mộc được xác định là còn hoạt động địa chất, nhưng mặt trăng Io có hoạt động "quá khích" – sự phun trào liên tục của hàng trăm núi lửa – nên không sống được.
Ở Trái Đất, hoạt động địa chất vừa đủ đã giúp hành tinh duy trì được bầu khí quyển và khí hậu phù hợp sự sống, cũng như đóng vai trò quan trọng trong các quá trình tạo ra sự sống sơ khai. Mặt trăng Enceladus vốn đã được xác nhận sở hữu đại dương rộng lớn có hệ thống thủy nhiệt giống Trái Đất sơ khai, đủ ấm áp vì được bảo vệ bởi vỏ băng dày, nên hoạt động địa chất giống như một mảnh ghép "vàng" làm tăng khả năng sống được của hành tinh.
Tại một hội nghị khoa học lớn tổ chức năm 2019, nhà khoa học Marc Neveu từ Trung tâm Hàng không Vũ trụ Goddard của NASA từng khẳng định nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp đã tính tuổi của mặt trăng Enceladus và biết được rằng nó đang bước vào thời đại hoàn hảo để nảy sinh sự sống.
Sứ mệnh khám phá Cassini-Huygens của NASA còn có sự hợp tác từ ESA (Cơ quan Vũ trụ Châu Âu) và Cơ quan Vũ trụ Ý.
Bình luận (0)