Hệ thống này được gọi là BBI (Brain to brain interface - giao diện từ não sang não), cho phép người sử dụng khi đưa ra một suy nghĩ nhất định có thể điều khiển đuôi của một con chuột thí nghiệm. Đây là một trong những bứt phá quan trọng trong việc nghiên cứu về khả năng thần giao cách cảm giữa người và người, một khái niệm liên lạc từ xa mà con người đã biết nhưng các nghiên cứu còn hạn chế.
Bằng kỹ thuật kể trên, các nhà khoa học tại ĐH Harvard đã tạo ra một hệ thống bao gồm một thiết bị đo sóng điện từ não, một máy tính thu nhận và phát lệnh ra một thiết bị kích thích não bằng sóng siêu âm. Phương thức này tương đối mới và không gây tác động nhiều đến đối tượng thí nghiệm. Đối tượng người thí nghiệm sẽ được cho xem một số hình ảnh trên màn hình máy tính. Luồng suy nghĩ từ việc xem hình ảnh này sẽ tạo ra sóng não, ghi nhận bởi máy tính và phát ra lại cho thiết bị kích thích sóng siêu âm gắn trên con chuột. Kết quả là sóng não từ người có thể làm đuôi chuột cử động, tỉ lệ thành công lên đến 94%, với chỉ 1,5 giây trễ. Trên lý thuyết, con người có thể điều khiển được đuôi chuột nếu đưa ra được đúng ý nghĩ mà không cần phải nhìn vào hình ảnh trên máy tính.
Các nhà khoa học sẽ còn đưa vào thí nghiệm nhiều kích thích não khác nhau, trong đó có các ý nghĩ phức tạp như đói chẳng hạn, từ người sang loài vật. Dĩ nhiên mục tiêu cuối cùng của thí nghiệm này là để nghiên cứu khả năng truyền ý nghĩ giữa người với người theo kiểu thần giao cách cảm.
Bình luận (0)