Một sinh vật kỳ dị, có xúc tu, sống ở đại dương sâu thẳm cách đây hơn nửa tỉ năm đã được bảo tồn nguyên vẹn đến kinh ngạc trong phiến đá cổ từ Hệ tầng Bradgate ở Leicestershire - Anh, nằm trong Rừng Chanrnwood. Mỏm đá này có được hình thành từ vật chất núi lửa và trầm tích cách đây khoảng 557-562 triệu năm, cũng là tuổi của sinh vật lạ.
Như vậy, động vật lạ lùng này sống vào kỷ Ediacara, là kỷ cuối cùng của Đại Tân Nguyên Sinh. Sau kỷ Ediacara chính là kỷ Cambri nổi tiếng với sự bùng nổ sinh học cực kỳ mạnh mẽ.
"Chân dung" động vật ăn thịt 560 triệu tuổi - Ảnh: CƠ QUAN KHẢO SÁT ĐỊA CHẤT ANH
Theo Live Science, sinh vật kỳ dị có hình dáng như những chiếc cốc đồng chứa đầy những ngón tay vặn vẹo kỳ quái, thực ra là những xúc tu giúp nó săn mồi. Đây rất có thể là một trong những sinh vật săn mồi đầu tiên của thế giới động vật, và là loài xưa nhất từng được khoa học ghi nhận.
Mẫu vật thực ra đã được khai quật khoảng 1 thập kỷ trước, nhưng đến nay mới được nghiên cứu đầy đủ bởi nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học Philip Wilby, trưởng nhóm Cổ sinh vật tại Cơ quan Khảo sát địa chất Anh.
Động vật này cũng thuộc về một loài chưa được biết đến, và được đặt tên là Auroralumina attenboroughii. Tên chi Auroralumina có nghĩa là "đèn lồng bình minh" trong tiếng Latin, ngụ ý về niên đại cổ xưa của hóa thạch - thuở bình minh của sự sống - cũng như hình dạng giống ngọn được của nó.
Phiến đá chứa đựng nó là một tảng khổng lồ chứa đựng hàng nghìn hóa thạch khác, có khả năng đại diện cho 20-30 loài khác nhau, được bảo tồn hoàn hảo và vẫn đang được nghiên cứu.
Nghiên cứu mô tả về động vật mới phát hiện vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Ecology & Evolution.
Bình luận (0)