Theo Sci-News, một nhóm nghiên cứu đã thử tái hiện thí nghiệm nổi tiếng của nhà khoa học Stanley Miller của Đại học Chicago (Mỹ) vào năm 1953, người đã tạo thành công 20 loại axit amin từ khí methane, amoniac, nước và hydro phân tử, cùng với một tia sét nhân tạo.
Thí nghiệm của tiến sĩ Miller được coi là "thành công một nửa" vì thực sự đã giúp tạo ra một số axit amin, vốn được coi là khối dây dựng cơ bản của sự sống, dù chưa tìm ra con đường để các axit amin này có thể nâng cấp thành những dạng phức tạp hơn.
Một câu hỏi lớn khác: Liệu sét có đủ tạo ra số axit amin cần thiết?
Trái Đất sơ khai - Ảnh đồ họa từ NASA
Nghiên cứu mới, dẫn đầu bởi tiến sĩ Vladimir Airapetian, nhà vật lý thiên văn từ Trung tâm Chuyến bay vũ trụ Goddard của NASA, cho thấy con đường này có thể đúng, nhưng nếu thay các tia sét bằng các hạt năng lượng từ Mặt Trời, hiệu quả sẽ rõ ràng hơn.
Nhóm nghiên cứu đã tái hiện lại điều kiện của Trái Đất trong liên đại Hỏa Thành, còn gọi là "Thái Viễn cổ", bắt đầu từ khi Trái Đất ra đời (hơn 4,5 tỉ năm trước) cho đến 3,8 tỉ năm trước.
Trên địa cầu nóng bỏng và cổ xưa đó, Mặt Trời mờ hơn hiện tại khoảng 30%, nhưng phun trào các dòng năng lượng mạnh mẽ sau mỗi 3-10 ngày.
Họ đã kết hợp carbon dioxide, ni-tơ phân tử, nước và các lượng methane khác nhau trong từng mẫu thí nghiệm, bắt các hỗn hợp đó bằng tia lửa điện mô phỏng sét hoặc các proton mô phỏng luồng năng lượng Mặt Trời.
Kết quả cho thấy các hạt năng lượng vũ trụ được bắn từ Mặt Trời tạo ra nhiều axit amin hơn và đa dạng hơn hẳn bắn bằng sét. Nguồn năng lượng này lại dồi dào hơn tia sét.
"Những thí nghiệm này cho thấy Mặt Trời trẻ và hoạt động mạnh mẽ có thể chính là yếu tố xúc tác cho các tiền chất sự sống, dễ dàng hơn và có lẽ sớm hơn so với suy nghĩ trước đây" - bài công bố trên tạp chí Life khẳng định.
Bình luận (0)