icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dự báo bão của Việt Nam: Phụ thuộc vào nước ngoài (?)

Theo Tường Lâm (SGGP)

Trong năm 2006, nước ta đã chịu ảnh hưởng của hai cơn bão lớn là Chanchu và Durian, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân. Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng, hậu quả nặng nề này ngoài sự bất thường của bão, một phần còn do việc dự báo chưa hiệu quả bởi công nghệ, thiết bị theo dõi và phân tích bão của Việt Nam còn rất hạn chế.

Chỉ theo dõi được bão trong bán kính 480km

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, việc dự báo bão thường được tiến hành qua nhiều bước. Để xác định tâm bão, các chuyên gia khí tượng phải dựa vào số liệu quan trắc mặt đất, ảnh mây vệ tinh, ảnh radar và quan trắc viễn thám. Tuy nhiên, theo các kỹ sư trạm quan trắc mặt đất thì các thiết bị tự động thu thập số liệu sóng, gió trên biển rất thưa nên việc xác định bão bằng số liệu quan trắc rất khó khăn khi bão hoạt động trên biển.

Cách nay mấy năm, các thiết bị tự động thu thập dữ liệu đặt trên biển được đầu tư khá nhiều nhưng bị người dân lấy cắp gần hết. Ảnh mây vệ tinh và quan trắc viễn thám thường là tham khảo của các trung tâm khí tượng nước ngoài, do đó radar được coi là chủ động và đáng tin cậy.

Năm 2004, các chuyên gia Mỹ đã lắp đặt cho khu vực phía Nam radar theo dõi thời tiết ở huyện Nhà Bè (TPHCM) với trị giá trên 1,3 triệu USD và giao Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ quản lý. Đây là radar theo dõi thời tiết hiện đại nhất của Việt Nam. Sau đó, hai radar tương tự cũng được lắp đặt tại Nha Trang và Tam Kỳ (Quảng Nam).

Ông Lê Đình Quyết (Trưởng trạm radar Nhà Bè) cho biết, radar này phát hiện được các hiện tượng thời tiết nguy hiểm (mưa, dông, tố, lốc, mưa đá), có chế độ đo tốc độ gió và hướng gió. Tuy nhiên, đối với bão, trong vòng bán kính 480km radar mới phát hiện được và theo dõi được chính xác tâm bão trong vòng bán kính 240km. Ông Lê Đình Quyết thừa nhận do bán kính quét của radar bị hạn chế nên khả năng dự báo sớm là rất khó.

Ông Quyết phân tích, nếu như một cơn bão có vận tốc di chuyển khoảng 20km/giờ thì trong vòng bán kính 240km, radar sẽ cho thấy chính xác tâm bão nhưng nếu bão đi vuông góc thì 10 giờ sau bão đã đổ bộ đất liền. Như vậy thì rất khó cho người dân nằm trong tâm bão xoay trở phòng chống.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hiện nước ta có được 6 radar theo dõi thời tiết, ngoài 3 radar kể trên, còn có 3 radar đặt ở Việt Trì, Vinh và Hải Phòng, nhưng đều thuộc thế hệ radar đốp-lơ của Pháp đã lạc hậu. Trong khi đó, các trung tâm khí tượng thủy văn trên thế giới đã sử dụng những công nghệ radar tiên tiến hơn. Ngay như Trung tâm Khí tượng thủy văn Thái Lan cũng đã sử dụng công nghệ radar băng sóng S có bán kính dự báo bão lên tới 600km.

img
Theo dõi thông tin thu thập được từ radar qua máy tính. Ảnh: Tg.L.

Phụ thuộc dữ liệu nước ngoài

Để có được bản tin dự báo bão nói riêng và thời tiết nói chung, các đài khí tượng thủy văn nước ta đã thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để phân tích tổng hợp. Trong đó, nhiều nguồn dữ liệu phụ thuộc vào nước ngoài.

Ông Nguyễn Minh Giám, Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, ảnh mây vệ tinh và quan trắc viễn thám là hai khâu cơ bản dự báo bão đều phải thu nhận từ các vệ tinh nước ngoài. Hiện tại ảnh mây vệ tinh đang được sử dụng là thu từ vệ tinh MT-SAT đa phổ của Nhật Bản.

Từ ảnh mây vệ tinh, các chuyên gia khí tượng có thể xác định được vị trí, sự hình thành, phát triển và suy tàn của bão. Như vậy, để xác định được chính xác về một cơn bão phụ thuộc vào dữ liệu mà vệ tinh MT-SAT ghi nhận có trung thực hay không. Bên cạnh đó, quan trắc viễn thám lại lúc được lúc mất. Số liệu được đo bằng viễn thám thường không đều. Hiện quan trắc viễn thám của các đài khí tượng nước ta là thu lại từ vệ tinh của Mỹ. “Khi nào vệ tinh bay qua thì có, còn không bay qua thì bó tay”, ông Nguyễn Minh Giám thừa nhận.

Để nâng cao khả năng dự báo bão hiệu quả, ngoài việc đầu tư trang thiết bị hiện đại và công nghệ mới nhằm thu thập, phân tích chính xác thông tin, các chuyên gia Viện Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, cần tham khảo rộng rãi thông tin dự báo của thế giới, nhưng phải hiểu bản chất của từng mô hình dự báo, kỹ năng dự báo, sai số của từng trung tâm dự báo của thế giới. Ngoài ra, cần đầu tư đào tạo những đội ngũ kỹ sư, chuyên gia giỏi về khí tượng, nhất là lĩnh vực dự báo bão.

Theo báo cáo tại hội thảo quốc tế lần thứ VI về bão diễn ra tháng 12-2006, sai số trung bình từ năm 2001 - 2005 của một số trung tâm dự báo quốc tế như sau: Đối với dự báo 24 giờ, sai số của Trung tâm Dự báo khí tượng Hoa Kỳ là 128km, của Nhật Bản là 128km, Trung Quốc là 133km và Hồng Công là 131km. Đối với dự báo 48 giờ, sai số của Hoa Kỳ là 220km, Nhật Bản là 232km, Trung Quốc là 228km và Hồng Công là 232km. Mặc dù Việt Nam chưa được thống kê, nhưng theo đánh giá của các nhà khí tượng thì mức sai số lớn hơn nhiều.

Cơn bão Durian (bão số 9) xảy ra cuối năm 2006 là một bằng chứng cụ thể cho thấy sự tàn phá của bão cũng như sự thiếu “nhạy bén” trong khâu dự báo. Khi cơn bão diễn ra, các trung tâm khí tượng đã có những phân tích, nhận định trái ngược nhau. Sau khi bão đi gần vào đất liền, các đài khí tượng Tam Kỳ (Quảng Nam), Nha Trang nhận định bão sẽ đổ bộ vào Nha Trang và Phú Quốc. Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ lại dự báo bão đổ bộ từ Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu trở vào. Tuy nhiên, cuối cùng thì bão trượt dài theo dọc bờ biển và đổ bộ vào Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang và Cà Mau.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo