Một trong những hành tinh kỳ dị nhất vừa được mô tả chi tiết trong nghiên cứu do Đại học bang Arizona (Mỹ) công bố.
Chân dung "gã khổng lồ đơn độc" được các nhà khoa học dựng lại từ dữ liệu thiên văn - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Đó là một "gã khổng lồ đơn độc", lang thang tự do trong không gian mà không thuộc về một hệ mặt trời nào, tức không quay quanh bất kỳ ngôi sao chủ nào. Nó lớn gấp 12 lần Sao Mộc – hành tinh vốn đã lớn nhất hệ mặt trời và có kích thước gần 11 lần trái đất của chúng ta.
Hành tinh vĩ đại SIMP J01365663 + 0933473 này còn sở hữu siêu từ trường, mạnh hơn khoảng 200 lần từ trường của Sao Mộc. Trong khi đó, Sao Mộc vốn đã sở hữu từ trường gấp 14 lần trái đất.
Nhà khoa học Melodie Kao, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết trên Sputnik rằng vật thể này có thể không hẳn là một hành tinh mà nằm ở ranh giới giữa một hành tinh hoàn chỉnh và một sao lùn nâu.
Ước tính SIMP J01365663 + 0933473 có nhiệt độ bề mặt lên tới 825 độ C và là một hành tinh non trẻ chỉ khoảng 200 triệu năm tuổi, tức chỉ gần 2/3 tuổi đời của loài người hiện đại trên trái đất.
Năm 2016, hệ thống VLA - Very Large Array - hệ thống 27 kính viễn vọng vô tuyến hiện đại có đường kính mỗi cái lên tới 25 mét, được đặt trải dài từ Mexico sang Mỹ - đã phát hiện hành tinh kỳ lạ này. Lúc đó, nó đang lang thang trong thiên hà của chúng ta, cách trái đất khoảng 20 năm ánh sáng.
Hệ thống VLA - ảnh: SHUTTERSTOCK
Các nhà nghiên cứu đã mất khá nhiều thời gian để thu thập, phân tích các dữ liệu thiên văn trước khi trình làng những nét chính về hành tinh khổng lồ và độc đáo này trước công chúng.
Bình luận (0)