Theo ông Cai Huiyang, nhà nghiên cứu thuộc Bảo tàng tỉnh Quý Châu, các nhà khảo cổ đã phát hiện hóa thạch gấu trúc ở 30 điểm tại Quý Châu, gồm bảy điểm có người nguyên thủy sinh sống.
Ông Cai nói, gấu trúc chưa bao giờ được thuần hóa và sự xuất hiện của chúng cùng với người tiền sử có thể là bằng chứng chúng bị bẫy để ăn thịt.
Gấu trúc di chuyển chậm hơn các loài vật hoang dã khác mặc dù chúng nhanh nhẹn hơn các con thú nuôi nhốt hiện nay, bởi vậy dễ bị con người và các loài thú khác bắt.
Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra hóa thạch gấu trúc từ những năm 60 thế kỷ trước, gồm bốn mẫu hóa thạch được lưu giữ hoàn chỉnh, tại nhiều nơi thuộc tỉnh Quý Châu gồm quận Qianxi và Hepan, thành phố Bijies và Xingyi.
Xuất hiện từ cách đây ba triệu năm, gấu trúc được coi là hóa thạch động vật sống và là một trong những loài quý hiếm nhất thế giới.
Theo các số liệu từ Bộ lâm nghiệp Trung Quốc, nước này hiện có khoảng 1.590 con gấu trúc hoang dã, hầu hết sống ở vùng núi thuộc các tỉnh Tứ Xuyên, Thiểm Tây và Cam Túc. Khoảng 160 gấu trúc bị nhốt và 70% trong số chúng được lấy giống nhân tạo.
Gấu trúc có nguy cơ tuyệt chủng do mất nơi sinh sống, bị săn bắn và tỷ lệ sinh sản thấp. Các con gấu trúc cái sống hoang dã thường chỉ sinh sản một lần sau hai hoặc ba năm.
Bình luận (0)