Trên thế giới đã có nhiều thiết bị hiện đại dành cho người khiếm thị nhưng ở Việt Nam công cụ này chỉ có sản phẩm nhập khẩu. Trước thực tế đó, nhóm các bạn Nguyễn Anh Tuấn, Huỳnh Hữu Cảnh, Hồ Phạm Uyên Phương, Nguyễn Thị Thùy Dung, sinh viên năm 3 Khoa Giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm TPHCM, mày mò chế tạo chiếc gậy hỗ trợ cho người khiếm thị là một cố gắng lớn và hữu ích.
Để người khiếm thị được an toàn hơn
Cả nhóm đã nghiên cứu, thăm dò thông tin từ các trường khiếm thị như Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng và nhận được yêu cầu cần một cây gậy có khả năng phát ra âm thanh để cảnh báo mọi người xung quanh, đồng thời phải có khả năng phát ra ánh đèn để cảnh báo khi đi trong đêm tối. Cảm động trước sự vượt khó của cả 3 bạn khiếm thị, TS Nguyễn Thị Kim Anh đưa thêm một bạn sinh viên bình thường vào nhóm để hỗ trợ viết đề cương, thiết kế trên máy tính…
Sau khi thiết kế, các bạn bắt đầu chọn các thiết bị, linh kiện để ráp vào chiếc gậy. Nguyễn Anh Tuấn, Huỳnh Hữu Cảnh đã thường xuyên tự mình đón xe ôm ra chợ Nhật Tảo để mua các vật liệu cần thiết mang về lắp ráp. Nguyên vật liệu để chế tạo gậy rất đơn giản gồm: 4 đoạn ống inox (đường kính 1,5 cm), dây dù, một bóng đèn led, một thiết bị phát âm thanh, dây điện, công tắc, gậy màu trắng dài từ 1 - 1,2 m. Sau đó cả nhóm đã gắn một đèn led ở phía trước tay cầm, cách chỗ nối giữa tay cầm và ống thứ hai khoảng 3 cm. Đèn hoạt động nhờ vào hệ thống dây điện được kết nối với 2 cục pin và được bật sáng bởi công tắc đèn. Bộ phát âm thanh được gắn ở phía tay phải của tay cầm và trên bóng đèn 1 cm, được hoạt động nhờ vào hệ thống dây điện nối với 2 cục pin và công tắc bật âm thanh. Thế là một cây gậy dành cho người khiếm thị đã hoàn thành.
Tổng chi phí để chế tạo một chiếc gậy đầu tiên như trên là 162.000 đồng. Huỳnh Hữu Cảnh cho biết ở nước ngoài có loại gậy sử dụng bộ cảm biến từ dành cho người khiếm thị, có khả năng báo động bằng cách rung gậy khi va vào vật cản. Tuy nhiên, với điều kiện ở Việt Nam, đặc biệt là đường có nhiều chướng ngại vật thì gậy cứ báo rung liên tục, rất khó sử dụng, hơn nữa giá thành lại rất cao.
Tự tin, an tâm khi đi lại
Chúng tôi đã chứng kiến Nguyễn Anh Tuấn, Huỳnh Hữu Cảnh sử dụng thử nghiệm chiếc gậy này. Khi Huỳnh Hữu Cảnh sử dụng chiếc gậy để đi lại trên đường, bật công tắc để đèn led phát sáng và loa phát ra các âm thanh cảnh báo, mọi người đều ngay lập tức chú ý vào Huỳnh Hữu Cảnh đang di chuyển. Tương tự, Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết rất tự tin khi sử dụng chiếc gậy này và có thể di chuyển nhanh hơn mà không sợ bị va vào chướng ngại vật hay bị người khác va vào. Trong không gian tối với ánh đèn chớp và miếng phản quang, mọi người xung quanh rất dễ nhận ra có người khiếm thị đang di chuyển. Đặc biệt với con lăn ở đầu gậy, người sử dụng không bị mỏi tay do huơ gậy liên tục mà chỉ cần giữ gậy và huơ nhẹ là gậy có thể lăn qua lăn lại nhẹ nhàng.
Chiếc gậy này đã đoạt giải nhất tại Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu khoa học năm 2010-2011 của Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Ban giám khảo đã đánh giá đây là đề tài có tính nhân văn, đột phá cao vì nó giúp cho người khiếm thị được an toàn và sinh hoạt dễ dàng hơn. Và điều quan trọng là sản phẩm này tuy không phải là một sản phẩm phức tạp, nó được làm nên bởi các bạn khiếm thị có niềm đam mê với khoa học, chịu khó học hỏi, vượt khó. TS Nguyễn Thị Kim Anh cho biết đề tài này sẽ được nhà trường hỗ trợ để thực hiện thành đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ. Hiện cả nhóm rất mong mỏi được sự giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức để giúp nâng cao về chất lượng kỹ thuật của chiếc gậy cũng như hỗ trợ sản xuất và bán rộng rãi ra thị trường.
Cô Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, cho biết việc nghiên cứu, chế tạo chiếc gậy này là một đề tài có ý tưởng tốt dành cho người khiếm thị. Các bạn khiếm thị đã từng sử dụng loại gậy của nước ngoài sản xuất nhưng giá thành đắt và không phù hợp với điều kiện sử dụng tại Việt Nam. |
“Mắt” cho người mù Một nhóm kỹ sư từ Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ đồ họa (CITG) của Trường ĐH Politècnica de Valencia (Tây Ban Nha) vừa thiết kế một thiết bị mới có thể giúp người mù di chuyển độc lập trong mọi môi trường. Thiết bị EYE 21 gồm một cặp kính mát được gắn 2 máy ảnh và tai nghe siêu nhỏ. Khi hướng mắt về một địa điểm, hệ thống máy ảnh sẽ chụp lại và phân tích hình dạng vật thể trong không gian rồi dựng nên một mô hình ba chiều, sau đó liên kết các điểm âm thanh đến các điểm trên bề mặt được phân tích. Tiếp theo, hệ thống sẽ thay thế chúng bằng âm thanh đã được định vị trên bề mặt của các hình dạng đã có sẵn. EYE 21 còn tích hợp thêm công nghệ nhận dạng đối tượng. Toàn bộ thông tin sẽ được truyền đến người dùng bằng tai nghe. Do đó, khi sử dụng thiết bị này, một người mù không những “nghe thấy” không gian xung quanh bằng không gian ba chiều mà bộ não của họ còn có thể dựng lại hình dạng ban đầu của các vật thể một cách tương đối chính xác nhờ việc “miêu tả” bằng âm thanh. Ng. Vân (Theo ScienceDaily) |
Bình luận (0)