Trong quá trình theo dõi để chuẩn bị cho sứ mệnh DESTINY+ (dự định phóng vào năm 2024 để tiếp cận tiểu hành tinh Phaethon), Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) bất ngờ phát hiện mục tiêu của họ đã... "bỏ chạy".
Theo tờ Space, tiểu hành tinh Phaethon được NASA phát hiện đã tự rút ngắn quỹ đạo của mình mỗi 4 mili giây mỗi năm. Tuy nghe có vẻ rất nhỏ nhưng mỗi thay đổi như vậy, nhất là thay đổi liên tục với một gia tốc khó hiểu, có thể tác động không nhỏ đến dự báo về đường đi của vật thể.
Tiểu hành tinh Phaethon qua các lần quan sát khác nhau - Ảnh: Arecibo/NASA/NSF
Trước mắt, biết được vị trí chính xác của tiểu hành tinh sẽ giúp các nhà khoa học đưa tàu vũ trụ DESTINY+ đến đúng địa điểm cần tiếp cận - dự tính là vào năm 2028.
Tiếp theo, đây sẽ là thông số quan trọng để dự đoán quỹ đạo của tiểu hành tinh, thứ luôn cần được theo dõi bởi Phaethon được xếp vào nhóm vật thể không gian "có khả năng nguy hiểm" cho Trái Đất.
Rất hiếm khi vòng quay của một tiểu hành tinh thay đổi. Phaethon là tiểu hành tinh thứ 11 được ghi nhận có biểu hiện kỳ lạ này, và là vật thể không gian lớn nhất trong 11 cái nói trên với đường kính trung bình 5,4 km.
Sử dụng dữ liệu quan sát hơn 3 thập kỷ - từ năm 1989 đến 2021 - nhà khoa học hành tinh Sean Marshall từ Đài quan sát Arecibo ở Puerto Rico, người hợp tác với JAXA, đã tạo ra một mô hình về Phaethon để chuẩn bị cho sứ mệnh DESTINY+ và phát hiện ra bất thường nói trên.
"Các dự đoán từ mô hình hình dạng không khớp với dữ liệu. Những thời điểm mà mô hình sáng nhất không đồng bộ với những thời điểm mà Phaethon sáng nhất. Tôi nhận ra điều này là do chu kỳ quay của Phaethon thay đổi một chút" - tiến sĩ Marshall nói.
Theo ông, thay đổi có thể đã diễn ra khi tiểu hành tinh này rơi vào điểm cận nhật (gần Mặt Trời nhất), khi nó hoạt động như một sao chổi, tỏa vầng hào quang chói lọi và mất đi không ít vật chất.
Phát hiện này. vừa được báo cáo tại cuộc họp thường niên lần thứ 54 của Bộ phận Khoa học hành tinh - Hiệp hội Thiên văn Mỹ, trùng hợp một cách giật mình với một thử nghiệm vừa thành công của NASA: Sứ mệnh DART làm chệch hướng tiểu hành tinh.
Trong khi DART được tạo ra để chuẩn bị cho việc làm chệch hướng một thứ gì đó mà quỹ đạo có thể khiến nó lao thẳng vào Trái Đất, thì Phaethon đang yên đang lành lại tự thay đổi bất thường.
Tin mừng là dù thay đổi, các tính toán cho thấy tạm thời nó chưa gây ra mối đe dọa nào cho hành tinh của chúng ta. Nhưng chắc chắn các nhà khoa học sẽ phải theo dõi chặt chẽ nó trong tương lai.
Tiểu hành tinh Phaethon, tên đầy đủ là 3200 Phaethon, thực ra không xa lạ với người Trái Đất. Vì hoạt động như sao chổi nên nó tạo ra một chiếc đuôi đá bụi vô tình giao cắt với quỹ đạo của Trái Đất.
"Bóng ma" của Phaethon mà con người hay nhìn thấy chính là mưa sao băng Geminids tuyệt đẹp - Ảnh: TỔ CHỨC SAO BĂNG QUỐC TẾ
Bạn không thể nhìn thấy bản thân tiểu hành tinh bằng mắt thường nhưng đã quan sát những mảnh vỡ này, sáng rõ, vào giữa tháng 12 hàng năm: Đó chính là mưa sao băng Geminids, một trong những trận mưa sao băng lớn nhất năm với số sao băng trong đêm cực đại có thể lên tới 150.
Bình luận (0)