Đó là một hành tinh khí khổng lồ, quay quanh một ngôi sao loại F mang tên HD 114082. Theo NASA, nó nằm cách sao mẹ khoảng 0.5109 đơn vị thiên văn (AU) và có khối lượng gấp 8 lần Sao Mộc.
Thế nhưng, các thông số tưởng chừng như bình thường đó lại đang làm các nhà thiên văn bối rối, bởi các phép đo tiết lộ dữ liệu bất thường: Nó chỉ to cỡ Sao Mộc.
Ảnh đồ họa mô tả hành tinh HD 114082 b và ngôi sao mẹ của nó, một cặp đôi kỳ dị nằm cách chúng ta 300 năm ánh sáng - Ảnh: NASA/JPL-Caltech
Với khối lượng và kích thước kỳ quặc như vậy, mật độ của nó phải gấp đôi Trái Đất, một điều hết sức vô lý vì mật độ của các hành tinh khí phải thấp hơn mật độ của các hành tinh đá (như Trái Đất, Sao Hỏa) rất nhiều.
Một điểm "châm chước" là nó có thể nặng hơn Sao Mộc quá nhiều bởi nó còn trẻ nhưng dù như vậy, nó vẫn quá dày đặc. "So với các mô hình được chấp nhận hiện nay, HD 114082 b dày đặc khoảng 2-3 lần đối với một gã khổng lồ khí trẻ 15 triệu tuổi như nó" - tờ Science Alert dẫn lời nhà vật lý thiên văn Olga Zakhozhay từ Viện Thiên văn học Max Planck (MPIA - Đức), người dẫn đầu nghiên cứu.
Điều đó tất nhiên khiến HD 114082 b hoàn toàn không khớp với cả hai mô hình phổ biến về sự hình thành hành tinh khí khổng lồ là "khởi động nguội" và "khởi động nóng", mà có thể là một cách bắt đầu khác, được tinh chỉnh từ một trong hai mô hình hoặc hoàn toàn riêng biệt.
"Tất cả những gì chúng tôi có thể nói là chúng tôi vẫn chưa hiểu rõ lắm về sự hình thành của các hành tinh khổng lồ" - nhà thiên văn học Ralf Launhardt, cũng từ MPIA, nhìn nhận.
Đối với các nhà nghiên cứu, HD 114082 b hứa hẹn sẽ giúp mở ra cánh cửa mới để tìm hiểu cách mà các thế giới khác đã ra đời, một quá trình hầu hết chỉ mới là những mô hình được ghép nối từ các mảnh dữ liệu hạn chế.
Nghiên cứu được phối hợp thực hiện bởi MPIA và Đài quan sát thiên văn chính thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Ukraine, vừa công bố trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics.
Bình luận (0)