Cần phải xử lý hình sự mới mong dẹp được tin nhắn rác
Xử từ gốc
Chánh Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Văn Hùng cho biết hiện có 374 CSP (DN cung cấp dịch vụ nội dung) có đầu số riêng để cung cấp tin nhắn dịch vụ. Mỗi DN lại trực tiếp ký kết với vài chục hoặc hàng trăm công ty vệ tinh SubCP (làm nội dung, không có đầu số) để cùng cung cấp dịch vụ.
Sở TT-TT TPHCM đã nêu giải pháp được nhiều đại biểu đồng tình, trong đó đề nghị chế tài mạnh hơn nữa để giảm thiểu sai phạm; cần phối hợp giám sát và xử lý hình sự các DN cung cấp dịch vụ.
Nhà mạng thu đậm
Trong thời gian qua, Thanh tra Bộ TT-TT đã phối hợp với VNCERT, Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50 - Bộ Công an) tiến hành thanh tra hơn 50 CSP và xử phạt 1,624 tỉ đồng, tịch thu 761 triệu đồng, đình chỉ cung cấp dịch vụ đối với 3 DN. Tuy nhiên, do đa số tin nhắn rác chủ yếu phát sinh từ sim thuê bao di động trả trước nên việc truy tìm các tổ chức, cá nhân đã phát tán chúng thông qua thông tin thuê bao gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết nguyên nhân chính của tình trạng này là lợi ích về kinh tế cụ thể là do tỉ lệ phân chia lợi nhuận giữa các DN di động, DN viễn thông với CSP không công bằng. DN thông tin di động chỉ cung cấp hạ tầng, đường truyền, trong khi các CSP phải bỏ ra chi phí để sản xuất nội dung nhưng DN di động lại được hưởng lợi nhuận với tỉ lệ ăn chia lên đến 55% - 79%. Mặt khác, tin nhắn rác xuất phát chủ yếu từ các công ty cung cấp dịch vụ nội dung số và do sự quản lý lỏng lẻo của các nhà mạng di động.
Trước đó, đầu tháng 11-2012, Công ty An ninh mạng Bkav công bố kết quả khảo sát cho thấy trung bình mỗi ngày, có tới 9,8 triệu tin nhắn rác được gửi tới ĐTDĐ của người dùng tại Việt Nam. Nếu tính trung bình 300 đồng/tin nhắn, các nhà mạng thu về khoảng 3 tỉ đồng/ngày, tức gần 100 tỉ đồng/tháng.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cho biết bộ đang xây dựng cơ chế quản lý, cấp và thu hồi đầu số, không để các DN viễn thông cấp đầu số cho các DN nội dung số như hiện nay. Đồng thời nghiên cứu, quy định giá cước tin nhắn dùng cho các CSP, tạo cơ chế công bằng lợi ích kinh tế giữa các DN liên quan. Ngoài ra, Bộ TT-TT sẽ xem xét lại việc phân chia cước, giá cước tin nhắn dùng trong dịch vụ; chỉ đạo nhà mạng phải giám sát chặt chẽ các CSP và chấm dứt hợp đồng hợp tác với DN phát tán tin rác, tin lừa đảo…
Đủ cơ sở pháp lý
Từ ngày 29-10, thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ Luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông được Bộ TT-TT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, VKSND Tối cao, TAND Tối cao ký kết cũng đã có hiệu lực. Theo đó, hành vi gửi tin nhắn lừa trúng thưởng nhưng thực tế không có giải thưởng để chiếm đoạt phí dịch vụ là hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 điều 226b của Bộ Luật Hình sự.
Quá nhiều CSP sai phạm Phó Tổng Giám đốc VNPT Nghiêm Phú Hoàn (đơn vị quản lý Mobifone, Vinaphone) cho biết trong 10 tháng đầu năm 2012, VNPT đã khóa cú pháp 70 CSP, tạm khóa hoặc cắt kết nối với 60 CSP, thu hồi đầu số của 4 CSP. Còn với đơn vị cung cấp dịch vụ 1900, VNPT đã thực hiện tạm ngưng kết nối 102 DN, áp dụng đối với các đầu số bị khóa cú pháp, nhắc nhở 2 lần trở lên hoặc các đối tác spam tin có nội dung lừa đảo hay số lượng lớn. |
Bình luận (0)