Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Đại học Bang Arizona (Mỹ) đã chạy hàng trăm mô phỏng máy tính để xác định 2 vùng dị thường nằm ẩn trong lớp phủ Trái Đất, bên dưới Thái Bình Dương và châu Phi, thực sự là cái gì và đang hoạt động ra sao.
Hai cấu trúc bí ẩn nằm trong lớp phủ của Trái Đất - Ảnh: Cotttaar Lekic/Geophysical Journal International
Hai cấu trúc, hay được gọi là 2 "đốm màu" khổng lồ trong bản đồ cắt lớp của Trái Đất, trông như mọc lên từ mặt ngoài của lõi hành tinh và vươn cao như một khối núi khổng lồ. Vùng dị thường bên dưới châu Phi ước tính có đỉnh cao đến 1.500 km, trong khi cấu trúc ở phía Thái Bình Dương cao 800 km.
Theo Science Alert, nghiên cứu mới cho thấy 2 "siêu lục địa ma" này có thành phần khác nhau, dù ảnh hưởng của chúng đối với lớp phủ xung quanh vẫn chưa rõ ràng.
Chúng đều được cấu thành từ những loại đá có thành phần dị biệt, tuy nhiên cấu trúc bên dưới châu Phi kém ổn định hơn, lý giải phần nào hoạt động núi lửa dữ dội ở một số vùng của lục địa này. Dương như nó cũng tác động đến chuyển động của các mảng kiến tạo đang di chuyển tích cực ở bên trên lớp phủ.
Đó có thể là tàn tích của hành tinh giả thuyết Theia - Ảnh: Mingming Li/ Đại học Arizona
Cả hai cấu trúc dường như là hai con quái vật còn sống, dao động lên và xuống bên trong lớp phủ.
Vẫn chưa thể trả lời được 2 cấu trúc này đến từ đâu, nhưng có 2 giả thuyết chính.
Một là, đó là những mảng kiến tạo, tức các mảnh vỏ của Trái Đất, bị chìm xuống trong quá trình kiến tạo mảng quá khứ, trượt sâu vào lớp phủ, bị đun lên đến mức siêu nóng và dần dần biến dạng, chìm sâu xuống đáy lớp phủ.
Hai là, nó là tàn tích của hành tinh Theia, một hành tinh to bằng Sao Hỏa được cho là đã va chạm với Trái Đất 4,5 tỉ năm trước, khi Theia hãy còn là một tiền hành tinh và Trái Đất là một hành tinh non trẻ.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Geoscience.
Bình luận (0)