Theo Science Alert, trong những năm gần đây ngày càng xuất hiện nhiều bằng chứng về một thứ gì đó đang ẩn nấp ở vùng xa xôi của hệ Mặt Trời, xa hơn cả hành tinh lùn Sao Diêm Vương và lớn gấp 5-10 lần Trái Đất.
Với khoảng cách cực xa đó, việc nắm bắt vật thể bóng tối này là vô cùng khó khăn. Với quỹ đạo được các nghiên cứu ước tính lên tới hàng chục ngàn năm và vị trí chưa xác định, việc gửi tàu vũ trụ hay quan sát nó từ Trái Đất đều bất khả thi.
Hành tinh thứ 9 có thể sở hữu một mặt trăng "biết phát sáng"? - Ảnh đồ họa từ ESO
Thế nhưng, nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà thiên văn học Man Ho Chan từ Đại học Giáo dục Hồng Kông (Trung Quốc) đã tìm ra một con đường nắm bắt "bóng ma" này.
Theo bài công bố trên The Astrophysical Journal, hành tinh thứ 9 có thể có rất nhiều mặt trăng và việc quan sát các tín hiệu tiềm ẩn từ các vệ tinh tự nhiên này sẽ giúp nhân loại xác định hành tinh bí ẩn nói trên.
Dựa trên tính toán thông qua các mô hình lập từ dữ liệu đã biết về vùng không gian xa xôi nơi rìa hệ Mặt Trời, họ cho rằng hành tinh thứ 9 phải có đến 20 mặt trăng.
Nó "hái trăng" theo nghĩa đen: Kích thước lớn đồng nghĩa với một lực hấp dẫn lớn, đủ để thu hút những vật thể nhỏ như tiểu hành tinh ở giữa Vành đai Kuiper và Đám mây Oort, cũng là nơi các nhà khoa học tin rằng hành tinh này trú ngụ. Khi bị kéo lại đủ gần, các vật thể này có thể quay quanh hành tinh như các mặt trăng.
Các mặt trăng băng giá này có thể khó quan sát được nếu nằm riêng lẻ. Song, chính tương tác hấp dẫn mà chúng thể hiện với hành tinh thứ 9 khi trở thành mặt trăng có thể giúp những vật thể đường kính từ 100 km trở lên lộ diện trước ống kính thiên văn.
Cụ thể, quỹ đạo hình elip của một vật thể quanh một vật thể khác thường làm nóng mặt trăng từ bên trong. Nhiệt được chuyển hóa thành bức xạ nhiệt - thứ có thể được quan sát dưới dạng tín hiệu vô tuyến.
Theo tiến sĩ Chan, điều này cũng giúp đem lại câu trả lời về việc hành tinh thứ 9 là một hành tinh hay lỗ đen - nghi vấn được đặt ra vài năm trước. Nếu có mặt trăng, nó phải là hành tinh.
Bình luận (0)