Một thời kỳ đồ đá khác, tiến bộ đến khó tin đã từng xuất hiện trong lịch sử chi Người, từ khi địa cầu còn được thống trị bởi những loài người đã tuyệt chủng và còn lâu mới có dấu chân Homo sapiens chúng ta (Homo sapiens chỉ có tuổi đời hơn 300.000 năm), nghiên cứu mới từ Đại học Kent (Anh), cho thấy.
Nhóm khoa học gia đứng đầu bởi nhà khảo cổ Alsstair Key đã dùng các kỹ thuật hiện đại để đánh giá độ sắc nét và độ bền của các mẫu đá bazan, đá trầm tích chert và thạch anh được thu thập từ hẻm núi kỳ dị Olduvai ở Tanzania (Đông Phi), "thánh địa" của những loài người khác đã tuyệt chủng.
Hẻm núi Olduval - ảnh: Shadows of Africa
Các mẫu vật cho thấy chúng không chỉ là công cụ của con người, mà còn đủ tốt và tinh vi không kém cạnh các công cụ mà Homo sapiens chúng ta từng dùng vào thời đồ đá của mình. Không những thế, những con người tuyệt chủng còn biết chọn lọc loại đá phù hợp với mục đích sử dụng: thạch anh sắc nhất nhưng kém bền, có thể dùng để cắt các mô cơ mềm của động vật, trong khi đá bazan cho những lưỡi dao cùn nhất nhưng chắc nhất thì dùng cho các động tác cần sức mạnh nhưng ít tinh tế.
Một lưỡi dao bằng đá chert - ảnh do nhóm nghiên cứu ccung cấp
Sự cải tiến công cụ xuất hiện rõ: những con người nơi đây đã tối ưu hóa các công cụ suốt thời kỳ 1,85 đến 1,2 triệu năm, khiến chúng ngày càng tiện dụng hơn.
Một công cụ khác đang được phân tích - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Phát hiện trên đã "thể hiện sự phức tạp chưa từng thấy trong cách xem xét chức năng nguyên liệu thô, được quản lý linh hoạt bởi nhiều loài người khác nhau", theo tuyên bố của nhóm tác giả.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Journal of the Royal Society Interface.
Hẻm núi Olduvai trải dài đến 48 km, có địa hình dốc đứng. Nơi đây từng hé lộ dấu tích của nhiều loài người tuyệt chủng như Homo habilis, Homo erectus, vượn nhân hình Paranthropus boisei, và sau này là cả tổ tiên Homo sapiens của chúng ta.
Bình luận (0)