Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải: Thần đồng là những trẻ có thể làm điều phi thường
. Phóng viên: Thưa ông, một trẻ có khả năng đặc biệt nào đó như biết nói trước tuổi, biết đọc khi chưa tới trường... có được coi là hiện tượng khác biệt so với các trẻ khác?
- Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, Liên hiệp Các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam: Nhiều người cứ cho rằng trẻ biết sớm một số thứ là biểu hiện của khả năng thiên bẩm. Điều đó chưa hẳn đã đúng, như việc trẻ biết nói sớm sau đó biết đọc sớm là hết sức bình thường. Chúng ta phải xét đến nhiều khía cạnh khác của vấn đề. Đứa trẻ biết đọc sớm khi chưa học ráp vần và không ráp vần theo kiểu ghép vần trong nhà trường chứng tỏ trẻ có ký ức tốt. Trẻ đã biết kết hợp hình ảnh chữ đó với âm và cứ nhìn vào là biết đọc. Chẳng hạn nhiều trẻ chưa biết chữ, chưa biết đọc vẫn biết rất rõ những quân cờ tướng như xe, pháo hay bộ tam cúc.
. Vậy ông quan niệm như thế nào là một thần đồng?
- Tôi quan niệm rằng thần đồng phải là những đứa trẻ có thể làm điều phi thường. Nguyễn Hiền, thời Trần, 12 tuổi đã đỗ trạng nguyên. Khi vua hỏi “Trạng học ai?”, Trạng đáp “Trạng tự biết”. Những trẻ này phải có các khuynh hướng đặc biệt. Tôi vừa biết một trường hợp rất hay, và theo quan niệm của tôi thì đó là thần đồng. Em bé 11 tuổi, không học tiếng Anh cả ở nhà, ở trường nhưng dịch được thư của chị từ Mỹ gửi về. Khi tôi nhờ dịch những tài liệu tiếng Anh của tôi thì cháu dịch được hết. Càng lạ thường hơn là bé này có thể nghe, hiểu và dịch được cả những chương trình phim truyện bằng tiếng Anh. Khi chúng tôi hỏi: “Vì sao cháu dịch được?”, cháu bé trả lời: “Cháu chẳng hiểu tại sao”. Những trường hợp này cũng giống như trường hợp cô Natasa ở Nga, sau một cơn ốm cô bỗng biết được nhiều ngôn ngữ, chúng ta- những người bình thường- không thể giải thích được.
. Những trẻ có khả năng đặc biệt liệu có phát triển theo thời gian? Chúng có cần được giáo dục trong một môi trường thích hợp?
- Trẻ biết sớm là một điều tốt và có thể đó là dấu hiệu của một thiên tài. Những hiện tượng biết sớm hoặc biểu hiện những năng khiếu đặc biệt nếu không được nuôi dưỡng thì sẽ thui chột đi. Ở nhiều nước trên thế giới, những trẻ em có trí óc đặc biệt thường có môi trường để bồi dưỡng riêng và vì thế họ dễ trở thành những người tài giỏi. Đây là vấn đề của xã hội, cần lưu tâm đến những trẻ có năng khiếu, trí óc đặc biệt vì những con người này là rất hiếm hoi. Nếu biểu hiện của trẻ là một bộ óc máy tính (tính toán những gì vượt tầm của tuổi) thì chúng ta phải tạo điều kiện cho trẻ phát triển khả năng toán học của mình. Một ví dụ mà cả thế giới đều biết đó là Mozart, soạn được nhạc khi mới 4 tuổi, đã trở thành thiên tài âm nhạc của thế giới nhờ có môi trường phát triển.
. Thời gian qua, những trẻ có khả năng đặc biệt phát hiện khá nhiều, tuy nhiên đến nay hầu như chưa có một sự quan tâm đặc biệt từ phía cơ quan chuyên môn. Ông có đề nghị gì từ những trường hợp cụ thể này?
- Về cách thức bồi dưỡng thần đồng, tôi cho rằng nên rút kinh nghiệm từ thế giới bằng những trường hợp cụ thể. Chúng ta cũng cần có những hội thảo để lấy ý kiến về vấn đề này. Chúng ta phải tập hợp những tài liệu viết về những hiện tượng đặc biệt của bộ óc con người để tìm hiểu, khám phá và tìm ra cách giải quyết. Tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng những bộ óc phát triển khác thường đó là những bộ óc... bị bệnh tật. Vì theo quy luật phát triển, nếu những mặt này trội hơn hẳn thì những mặt kia phải giảm đi, như thế mới cân bằng. Tôi cho đó là lý do có nhiều giai thoại về những thiên tài của thế giới, họ thường được gắn cho cái tên là “nhà bác học ngốc nghếch”.
TS Tâm lý Trần Thị Thu Mai, Trường ĐH Sư phạm TPHCM: Cần có chế độ đào tạo riêng Có lẽ không chỉ riêng bản thân tôi mà rất nhiều nhà khoa học về tâm lý đều biết rằng nếu không nuôi dưỡng và phát triển thì qua cái ngưỡng phát cảm về tâm lý, những thần đồng đó cũng sẽ lại... bình thường và mai một đi những khả năng vốn có của mình. Đó cũng là số phận của rất nhiều trường hợp vì không được nuôi dưỡng, nhiều trẻ em tỏ ra rất ưu việt trước đây, sau này cũng trở thành những người bình thường. Nếu như thần đồng ở Cà Mau mà bị thôi học, biết đâu chừng sau này lại... không biết chữ như những người khác. Tôi nhắc lại trường hợp của nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn, sớm có thiên hướng về âm nhạc và nhờ mẹ ông là một nhà sư phạm và cũng là một người dạy nhạc nên đã sớm phát hiện và bồi dưỡng. Để không phí hoài những khả năng thiên bẩm của con người, chúng ta cần có một trung tâm đào tạo riêng. Nhân tài đã là vốn quý, thiên tài thì hiếm lắm. GS Ngô Đạt Tam, Viện Phát triển phương Đông: Tạo môi trường cho tài năng phát triển Tôi tin rằng có một số người ưu việt hơn đa số còn lại. Và những khả năng đó phát triển rất sớm, biểu hiện rất sớm. Người thì lĩnh vực này, người lĩnh vực kia... Những khả năng đó không phải từ học tập mà vì những gì chúng ta cũng khó giải thích, tạm thời gọi là trời phú. Trước thực tế nhiều trường hợp thần đồng mà báo chí nêu, là người làm công tác khoa học lâu năm tôi thực sự thấy... buồn. Tôi tự hỏi chúng ta sẽ làm gì để những thiên tài (tạm gọi là như vậy) được phát triển. Tôi nghĩ, cần thiết phải có một cơ quan nào đó đứng ra để đảm nhiệm vai trò này. Đối với trẻ em, giáo dục và tạo môi trường để phát triển là rất quan trọng. |
Bình luận (0)