Theo nhà khoa học Trần Thị Việt Thanh (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam), trong những năm gần đây, ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sông Thanh (Quảng Nam) vẫn có dấu vết, chứng tỏ hổ tồn tại nhưng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ (Bắc Kạn) thì không còn bất kỳ dấu vết nào của hổ. Hổ Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao vì nhiều nguyên nhân như khả năng thích nghi thấp với các sinh cảnh manh mún, quần thể nhỏ nên có ảnh hưởng lớn về di truyền cho các thế hệ sau do hiện tượng cận huyết. Hầu hết các khu bảo tồn có loài hổ sinh sống thường bị chia cắt và tàn phá nghiêm trọng, do đó việc phối giống giữa các quần thể hổ khác nhau ít có thể xảy ra. Bên cạnh đó, tình trạng săn bắn hổ ngày càng gia tăng, đe dọa sự tồn vong của loài hổ.
Hổ Việt Nam hay gọi là hổ Đông Dương
Hổ Việt Nam có tên khoa học là Panthera tigris corbettii hay gọi là hổ Đông Dương, được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) xếp vào loài rất nguy cấp (CR). Ước tính ở Việt Nam hiện nay có ít hơn 50 cá thể ngoài tự nhiên (CITES Việt Nam, năm 2010). Các chuyên gia bảo tồn nhận định đến năm 2015, phân loài hổ Đông Dương có thể “biến mất” nhanh hơn bất kỳ một phân loài hổ nào khác.
Nhà khoa học Trần Thị Việt Thanh cho biết trong tương lai, chúng ta cần khôi phục sinh cảnh cho hổ tại các khu rừng đã được bảo vệ, đặc biệt là ưu tiên cho đầu tư nghiên cứu cơ bản để phát triển bảo tồn hổ bằng phối giống sinh sản, lưu trữ mẫu DNA gốc để phục hồi loài động vật quý hiếm này khi có điều kiện.
Bình luận (0)