Theo tờ Space, mãi đến năm 2022 sao chổi C/2022 E3 (ZTF) mới được ghi nhận trong lịch sử thiên văn bởi lần cuối cùng nó ghé thăm hành tinh của chúng ta là vào kỷ băng hà cuối cùng, khi loài người tuyệt chủng Neanderthals vẫn còn đi lại trên địa cầu và chung sống với tổ tiên Homo sapiens chúng ta.
Theo Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực của NASA, thời điểm đó là tận 50.000 năm về trước.
Khi đến gần Mặt Trời, tức đi vào điểm cận nhật, vật liệu băng giá của các sao chổi sẽ xảy ra hiện tượng thăng hoa đẹp mắt cũng như là giai đoạn tốt và thú vị để quan sát.
Tại điểm cận nhật C/2022 E3 (ZTF) vẫn sẽ không đủ sáng để nhìn thấy bằng mắt thường. Do đó nếu chọn quan sát vào tối nay 13-1, bạn sẽ cần một chiếc ống nhòm.
Ngoài ra, Dự án kính viễn vọng ảo của châu Âu cũng hứa hẹn phát trực tiếp cú tiếp cận gần Mặt Trời của sao chổi xanh lá cây này trên website và Youtube của họ. Bạn đọc yêu thích thiên văn có thể xem tại đây (website) hoặc kênh Youtube The Virtual Telescope Project.
Theo tính toán của NASA sao chổi sẽ đạt điểm cận nhật vào lúc 4 giờ 18 phút ngày 13-1 theo giờ GMT, tức 11 giờ 18 phút theo giờ Việt Nam. Website của Dự án Kính viễn vọng ảo sẽ bắt đầu phát từ lúc 11 giờ, tuy nhiên bạn có thể xem lại nếu bỏ qua thời điểm gần nhất đó, hoặc trực tiếp dùng ống nhòm hay kính thiên văn để xem vào tối nay.
Đến ngày 2-2, sao chổi này sẽ lướt qua Trái Đất lần nữa trên hành trình rời khỏi hệ Mặt Trời với khoảng cách áp sát chỉ 42 triệu km.
Bình luận (0)