Theo đài quan sát Hải quân quốc gia Mỹ (USNO), Trái đất sẽ ở khoảng cách xa Mặt trời nhất trong năm 2012 vào lúc 4 giờ hôm nay 5-7 (theo giờ quốc tế). Điểm xa nhất của quỹ đạo Trái đất so với Mặt trời khoảng 152 triệu km và hành tinh của chúng ta sẽ đi qua điểm này mỗi năm 1 lần.
Trái đất ở khoảng cách xa Mặt trời nhất trong năm vào ngày hôm nay.
Khoảng cách trung bình từ quỹ đạo Trái đất tới Mặt trời khoảng 150 triệu km. Nhưng do quỹ đạo của các hành tinh quay xung quanh mặt trời, bao gồm cả Trái đất, không phải là đường tròn hoàn hảo mà là hình elip.
Vì thế, quỹ đạo của Trái đất có điểm gần nhất và xa nhất so với Mặt trời. Hành tinh của chúng ta đi qua điểm gần nhất so với Mặt trời vào đầu tháng 1 hàng năm ở khoảng cách 149 triệu km.
Tại điểm xa nhất so với Mặt trời, Trái đất ở xa Mặt trời hơn 3,28% (4.996.435 km) so với khoảng cách Trái đất ở điểm gần nhất. Sự khác biệt này cũng khiến hành tinh của chúng ta nhận được nhiệt phóng xạ ở điểm xa nhất ít hơn 7% so với thời điểm Trái đất ở điểm gần Mặt trời nhất.
Theo Space, khoảng thời gian Trái đất đi qua điểm xa nhất và gần nhất so với Mặt trời thường dao động trong vài ngày. Trái đất đi qua điểm gần nhất so với Mặt trời từ ngày 1 đến 5/1 hàng năm, trong khi, điểm xa nhất thường diễn ra từ ngày 2 đến 5-7 hàng năm.
Mặc dù Trái đất ở vào khoảng cách xa nhất với Mặt trời nhưng người dân sống ở các quốc gia bắc bán cầu, như Mỹ sẽ vẫn không cảm thấy bớt nóng so với bình thường. Nguyên nhân được các nhà khoa học giải thích là do độ nghiêng của Trái đất. Yếu tố này quyết định một vùng nhận tia bức xạ Mặt trời theo phương thẳng đứng hay góc chéo hơn. Trong khi bắc bán cầu đang là mùa hè, nam bán cầu hiện tại đang là mùa đông.
Tại thành phố New York (Mỹ), bức xạ Mặt trời sẽ chiếu thẳng vào ngày hạ chí 21-6 vừa qua. Điều này đồng nghĩa những người dân ở thành phố New York nhận được lượng nhiệt từ Mặt trời cao gấp 3 lần so với thời điểm đông chí vào cuối tháng 12 hàng năm.
Bình luận (0)