xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Huyền thoại rắn khổng lồ

Duy Nhân - Thốt Nốt

Vùng đất miền Tây từ thuở mới khai phá đến nay luôn tồn tại vô số câu chuyện mang màu sắc huyền bí đến khó tin về những loại rắn khổng lồ ở rừng U Minh hay vùng Thất Sơn

1. Những bậc cao niên từng có cơ duyên chạm mặt rắn khổng lồ ở rừng U Minh hiện chỉ còn vài người. Một trong số đó là cụ Hai Tây (Nguyễn Văn Ðã), thầy chữa rắn cắn đại tài và võ sư trứ danh gần như cả đời sống ẩn dật giữa đại ngàn U Minh.

Cụ Hai Tây nay đã 93 tuổi mà vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Cái tên Hai Tây là do người dân U Minh quen gọi mà thành do cụ cao lớn và một thời nổi tiếng đánh Tây. "Gần 100 năm sống giữa U Minh Hạ nên không một góc rừng nào chưa in dấu chân tui. Nhiều người không tin nhưng tui lấy danh dự cả đời mình mà khẳng định rằng chuyện rắn hổ mây to hơn vòng tay người ôm, dài mấy trượng là hoàn toàn có thật. Tui đã giáp mặt không biết bao nhiêu lần, thậm chí còn đến hang ổ của chúng" - cụ Hai Tây quả quyết.
 

img

Năm 19 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Ðã được một võ sư ẩn tu trong rừng U Minh truyền dạy võ nghệ và những bài thuốc trị rắn cắn. Năm 1945, Hai Tây tham gia cách mạng, cũng hoạt động ở vùng U Minh. "Phải mất hơn 15 năm ngang dọc trong rừng già, tui mới gặp được cặp rắn hổ mây khổng lồ mà trước đó chỉ nghe qua lời kể của sư phụ" - cụ Hai Tây nhớ lại.

Lần đó, khi mắc võng dưới rừng tràm ngủ trưa, Hai Tây bỗng thấy thú rừng náo loạn rồi nghe tiếng ào ào như cuồng phong ập đến. Bàng hoàng nhìn quanh, Hai Tây phát hiện một cặp rắn khổng lồ ngóc đầu qua khỏi ngọn tràm, mắt đỏ lừ lom lom nhìn mình.

"Rắn hổ mây vốn nhanh nhẹn, di chuyển như đi mây về gió nên cách duy nhất để sống còn trước chúng là phải đối mặt quyết chiến. Tui cố giữ bình tĩnh, súng lên sẵn đạn, dao phát lăm lăm trong tay. Tuy nhiên, cặp rắn chỉ nhìn tui một lát rồi bỏ đi. Tò mò, tui lặng lẽ theo sau, hơn một giờ thì đến ụ đất cao chằng chịt dây leo, hõm xuống như một cái ổ khổng lồ với đường kính lên đến 4 m. Hổ mây cái nằm khoanh tròn trong ổ, còn con đực vắt vẻo trên cành cây. Khoảng một tháng sau, tui tìm đến ổ rắn này thì không thấy chúng đâu" - cụ Hai Tây hồi tưởng.

Ngoài cụ Hai Tây, ở U Minh Hạ, một số thầy thuốc rắn hay thợ săn lão làng cũng quả quyết đã ít nhất một lần chạm mặt rắn khổng lồ. Vài cán bộ kiểm lâm cũng khẳng định đã tận mắt chứng kiến chúng ở U Minh Hạ. Khi rừng U Minh Hạ hỏa hoạn dữ dội năm 1983, hàng trăm người đi phát quang chữa cháy đã phải vứt dao chạy thục mạng vì gặp cặp rắn hổ mây to cỡ một vòng tay người trườn qua khoảng trống rồi trốn vào khu rừng sâu.

2. Ðến nay, nhiều người dân Thất Sơn (Bảy Núi - An Giang) vẫn còn kể cho nhau nghe chuyện cách đây chừng 40 năm, trong một buổi sáng tinh mơ, cả vùng bỗng náo loạn vì hay tin một chiếc xe khách đang chạy bị cặp rắn khổng lồ chặn lại ở dốc cầu Tà Ðét dưới chân núi Bà Ðội Om. Ông Ba Tùng (Nguyễn Văn Tùng), hiện ngụ trên núi Cấm, cho biết khi đó ông mới ngoài 20 tuổi, dù sợ điếng người nhưng vì tò mò nên cũng tìm đến xem.

"Lúc tui đến, cặp rắn đã lui vào rừng do tài xế pha đèn rọi thẳng vào mắt và liên tục bóp còi inh ỏi. Tui chỉ thấy cây cỏ hai bên đường rạp xuống la liệt, bề ngang cả mét. Nhiều người đến trước nhìn thấy khẳng định mỗi con nặng không dưới 300 kg" - ông Ba Tùng nhớ lại.

Nhiều người sống trên núi Cấm quả quyết họ từng giáp mặt rắn lớn hàng trăm ký. Theo ông Trần Huy Dũng, cách nay hơn 10 năm, ông suýt làm mồi cho mãng xà trên đỉnh núi Cấm. "Hôm đó, khi đi ngang một khu rừng rậm, tui nghe chim, sóc kêu inh ỏi gần một gốc cây to cỡ vòng tay người. Ðến gần hơn, tui chết sững khi phát hiện đó không phải gốc cây mà là đầu một con rắn hổ mây đang hướng về 2 con mồi mà nó vừa phun nọc độc. Tui chỉ còn cách đó chừng 5 m, may mắn là "ổng" đang quay đầu về 2 con mồi.

Tui chỉ còn biết run rẩy tìm đường thoái lui" - ông Dũng thè lưỡi.

Bà Mai Thị Nguyệt, hàng xóm ông Dũng, cho biết nhiều người khi gặp rắn lớn ở Bảy Núi sợ đến mức á khẩu, thậm chí phát bệnh nặng. "Khoảng 20 năm trước, vợ chồng tui đi hái thuốc ở suối Sư Bình trên núi Cấm thì ngửi thấy mùi hôi tanh nồng nặc. Không biết đó là động vật chết phân hủy hay là xác người, tụi tui lần theo hướng phát ra mùi hôi tanh và đến một cửa hang um tùm dây leo. Nhìn vào, vợ chồng tui thấy một con rắn nặng ước hơn 300 kg đang nằm cuộn tròn. Tui lẩm bẩm vái Trời, Phật cho thoát được "ổng" nhưng miệng lưỡi cứ cứng đờ. Phải một hồi lâu sau đó, tụi tui mới lóng ngóng rời xa hang của "ổng" được" - bà Nguyệt rùng mình.

Sau khi thoát hiểm, bà Nguyệt về nhà kể lại cho mẹ mình nghe. "Mẹ tui cho biết trước đây, cũng tại suối Sư Bình, bà và ông ngoại đã từng giáp mặt mãng xà nhưng không hề hấn gì. Mẹ tui kể ông ngoại hoảng quá trèo tuốt lên ngọn cây cao cả 10 m nhưng con rắn vẫn ngóc đầu lên chạm chân rồi bỏ đi. Ông ngoại tui do quá ám ảnh nên khi về nhà đã phát bệnh và qua đời vài ngày sau đó" - bà Nguyệt xúc động.

Cách nay hơn 3 năm, nhiều người hiếu kỳ đã đổ xô đến nhà ông Trần Quốc Diệp, dưới chân núi Phú Cường, huyện Tịnh Biên - An Giang, để chờ cơ hội tận mắt quan sát rắn khổng lồ. "Hôm đó, khoảng 12 giờ, vừa ăn cơm trưa xong, tui mắc võng trước nhà định nằm nghỉ thì từ bụi tre đối diện, một con rắn to như cây cột điện xuất hiện, bò xuống ao uống nước. Con rắn này thật lạ, có vẻ như thích đùa giỡn với tui. Thấy tui bỏ chạy, nó rượt theo nhưng khi tui líu ríu dừng lại thì nó chỉ ngẩng đầu thè thè lưỡi dò xét. Mãi một lúc sau, "ổng" mới lui vào bụi tre" - ông Diệp nhớ lại.

Dẫn chúng tôi ra bụi tre trước nhà, ông Diệp chỉ một cái hang rộng và quả quyết con rắn khổng lồ chui ra từ đây. Chỉ có điều, những người hiếu kỳ từng tìm đến đây và ngay cả ông Diệp cũng không có thêm lần nào được diện kiến rắn khổng lồ nữa.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sơn ở núi Két, huyện Tịnh Biên cho rằng do núi này có nhiều hang động hơn cả núi Cấm nên vẫn còn nhiều mãng xà sinh sống. Do rắn khổng lồ thường xuyên xuất hiện, gây kinh động người dân địa phương nên gần đây, ông Sơn đã phải thuê người tạc cặp tượng rắn đầy uy lực đặt trước miệng hang để khắc chế rắn thật. "Dù cặp rắn thật to lớn gấp nhiều lần nhưng hy vọng khi chúng bò ra, gặp cặp rắn giả thì "bị dội" mà rút vào, không quấy phá con người" - ông Sơn giải thích.
 
Những ông thầy chữa độc xà cắn cũng đi vào huyền thoại bất hủ xứ U Minh. Trị bệnh không lấy tiền, không dùng khả năng có được để hại người, không lạm sát loài rắn là 3 điều mà các thầy rắn U Minh phải giữ.
 
img
Ông Trần Quốc Diệp bên hang rắn hàng trăm ký mà ông quả quyết đã tận mắt chứng kiến ở Bảy Núi. Ảnh: T.N

Ở U Minh, hai thầy rắn Tám Rớt và Năm Ngọc đều cực kỳ nổi tiếng vì có khả năng điều khiển được rắn hổ chúa. Thế nhưng, sinh nghề tử nghiệp, một lần đi rừng bắt rắn, ông Tám Rớt bị một con độc xà rất lạ phục cắn, chữa hết cách cũng không qua khỏi. Trong khi đó, ông Năm Ngọc dù không xâm hại loài rắn nhưng có lần vì tư thù đã khiển độc xà cắn người nên cũng bị trả giá. Về cuối đời, ông sống trong tâm trạng bấn loạn, thường chui xuống gầm giường nằm như rắn.

Người dân U Minh dù tiếc thương hai vị thầy rắn này nhưng đều cho rằng đó là cái giá mà họ phải trả vì phạm 3 điều cấm kỵ trong nghề.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo