Theo Science Alert, một phân tích mới từ nhóm hoa học gia quốc tế đã bổ sung bằng chứng cho thấy thế giới trước vụ va chạm Chicxulub vốn đã là một "địa ngục", với lượng lưu huỳnh trong khí quyển đạt mức tới hạn.
Cùng với các nghiên cứu khác về hàm lượng thủy ngân, nghiên cứu này cung cấp bằng chứng về hoạt động núi lửa đủ mạnh mẽ để gây ra biến đổi khí hậu đáng kể trên Trái Đất 66 triệu năm về trước.
Ngày tận thế của khủng long - Ảnh đồ họa: LIVE SCIENCE
"Dữ liệu của chúng tôi cho thấy rằng điều này có thể gây ra sự giảm nhiệt độ toàn cầu trong thời gian ngắn" - nhà địa chất học Sara Callegaro từ Đại học Oslo (Na Uy), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Phát biểu này đề cập đến cái gọi là "mùa đông núi lửa", như một phản ứng ngược của địa cầu sau một thời gian bị biến thành "hỏa ngục" do núi lửa phun hàng loạt, một bầu trời ngột ngạt lưu huỳnh và các thứ tro bụi, ngăn chặn ánh sáng tiếp cận mặt đất, kết hợp với các phân tử làm mát khí hậu khác, từ đó ảnh hưởng mạnh đến sinh vật sống.
Trước đây, giả thuyết "mùa đông núi lửa" từng được ủng hộ, nhưng một tảng thiên thạch khổng lồ - tiểu hành tinh Chicxulub - được cho là nguyên nhân kích hoạt chuỗi phun trào.
Kiểm tra đá cổ đại từ khu vực núi lửa Deccan Traps ở miền Tây Ấn Độ, các nhà khoa học đã đo được nồng độ lưu huỳnh theo thời gian, cho thấy lượng phát thải riêng khu vực này đã đủ để làm thay đổi khí hậu toàn cầu, khi giải phóng 1 triệu km3 dung nham.
Sự hình thành dung nham chứa lưu huỳnh đậm đặc nơi đây cũng phù hợp với khí hậu mát mẻ của kỷ Phấn Trắng. Khi dung nham cứng lại hậu phun trào, các phân tử làm mát khí hậu được giải phóng vào không khí.
Chuỗi thảm họa khiến nhiệt độ toàn cầu giảm mạnh 10 độ C trong vòng 100.000 năm trước khi Chicxulub giáng đòn cuối cùng.
Như vậy, chính Trái Đất là nguyên nhân chủ yếu của sự chấm hết "thời đại quái vật". Tiểu hành tinh Chicxulub chỉ đóng vai trò như một kẻ hợp tác, hoặc thậm chí không có nó thì biến đổi khí hậu cũng đủ tiêu diệt khủng long.
Tiểu hành tinh Chicxulub là một tảng đá không gian khổng lồ, được nhiều nghiên cứu cho là nguyên nhân chính dẫn đến sự tuyệt chủng của loài khủng long 66 triệu năm trước, tức cuối kỷ Phấn Trắng.
Chicxulub lớn đến nỗi để lại một hố va chạm đường kính hơn 180 triệu km, trải rộng từ một phần Bán đảo Yucatan của Mexico cho đến ven bờ Vịnh Mexico.
Khó để ước lượng kích thước chính xác của tiểu hành tinh này vì nó đã tan vỡ hậu va chạm, nhưng chắc chắn nó là một trong những vật thể vĩ đại nhất từng tấn công Trái Đất, trong đó sóng xung kích từ vụ va chạm đủ gây ra sóng thần chưa từng có, động đất, núi lửa phun trào hàng loạt...
Bình luận (0)