Viết trên chuyên san khoa học The Conversation, Giáo sư Chris Impey từ Đại học Arizona - Mỹ khẳng định, không phải Trái Đất, mà những siêu Trái Đất, mới là nơi dễ sống nhất vũ trụ.
Siêu Trái Đất là một loại hành tinh mà các nhà khoa học đã "chạm mặt" nhiều lần trong các cuộc săn tìm các ngoại hành tinh (hành tinh ngoài hệ Mặt Trời). Theo giáo sư Impey, có hơn 2 tá (hơn 24 cái). Nhiều cái trong số chúng thuộc "vùng sự sống" của ngôi sao mẹ.
Không phải các hành tinh giống Trái Đất, mà các siêu Trái Đất mới là nơi giới các kính viễn vọng tối tân cần hướng về để săn tìm sự sống - Ảnh: NASA
Tất nhiên không phải hành tinh nào thuộc vùng sự sống cũng sống được, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ chính hành tinh đó. Ví dụ, hệ Mặt Trời có 3 hành tinh thuộc vùng sự sống là Sao Kim, Trái Đất và Sao Hỏa, chỉ mới có Trái Đất chắc chắn có sự sống.
Bằng dữ liệu từ các ngoại hành tinh, các mô hình sinh học thiên văn, giáo sư Impey và các cộng sự đã đưa ra tiêu chuẩn hoàn hảo nhất cho một hành tinh trở nên dễ sống nhất: Khối lượng gần gấp đôi Trái Đất, thể tích lớn hơn 20-30% thể tích.
Kích thước này giúp các siêu Trái Đất có khả năng hoạt động địa chất tốt hơn Trái Đất. Đây cũng là những thế giới có đại dương đủ nông để ánh sáng kích thích sự sống đến tận đáy biển và nhiệt độ trung bình là 25 độ C.
Chưa kể, dạng hành tinh này vẫn có khả năng duy trì sự sống trong vài tỉ năm nếu nó bị đẩy ra khỏi hệ sao của chính nó - hiện tượng được khám phá qua các nghiên cứu gần đây, nhờ một bầu khí quyển đủ dày để bảo vệ sự sống. Trái Đất của chúng ta không như vậy, nó gần như chắc chắn tuyệt chủng nếu bị văng khỏi hệ Mặt Trời.
Với kết luận này, giáo sư Impey tin rằng những "thợ săn hành tinh" siêu hạng trong tương lai nên nhắm vào dạng hành tinh này, ví dụ như kính viễn vọng James Webb, thiết bị đủ sức tìm kiếm dấu hiệu hóa học tiềm tàng của sự sống một cách rõ ràng.
Bình luận (0)