Các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu không gian Hà Lan (SRON) và Đại học Radboud (Hà Lan) đã phát hiện ra một ngôi sao kỳ lạ hình xoắn ốc mà họ mô tả là giống sợi mì spaghetti bị cuộn lại lại trên nĩa.
"Chân dung" ngôi sao hình sợi mì đang quấn chặt lỗ đen - Ảnh:NASA / CXC / M. Weiss
Trong bài công bố trên Monthly Notices of Royal Astronomical Society, các tác giả giải thích ngôi sao khổng lồ này từng có một hình dạng tròn bình thường. Nhưng nó quay quá gần lỗ đen quái vật (tức các lỗ đen siêu khối cực kỳ to lớn và hung dữ), dẫn đến hiện tượng "gián đoạn thủy triều". Khi đó lực hấp dẫn của lỗ đen sẽ kéo mạnh một bên ngôi sao rồi xé toạc nó và bắt đầu hút vật chất. Ngôi sao cố cưỡng lại nên lỗ đen đã kéo nó như kéo một cuộn len: biến vật chất sao thành sợi dài và nuốt từ từ.
Theo Sci-tech Daily, "sợi sao" này quay quanh lỗ đen với tốc độ cực cao, phát ra nhiệt, tia X và tia gamma dữ dội. Ban đầu các tác giả tưởng đó đơn giản là một đĩa bồi tụ của lỗ đen, nhưng rồi nhận thấy các sợi vật chất quay quanh lỗ đen rất hẹp. Họ xác định đó phải là một ngôi sao xấu số.
Nói trên Space, tiến sĩ Giacomo Cannizzaro từ SRON cho biết hiện tượng kỳ lạ này được phát hiện quanh một lỗ đen siêu khối rất xa, ngoài thiên hà, có thể lớn bằng hàng tỉ Mặt Trời. Hiện họ vẫn chưa định vị được chuẩn xác nơi xảy ra sự kiện kinh hãi này.
Phát hiện đã mở ra một "cửa sổ" mới để hiểu thêm về lỗ đen và cách mà các thiên thể sẽ bị tác động khi lỡ tiến tới gần "quái vật". Trong thiên hà chứa Trái Đất cũng có một lỗ đen quái vật làm trung tâm, nhưng may mắn là nó đang "ngủ đông" vô thời hạn.
Bình luận (0)