Nghiên cứu mới từ Đại học California ở Davis (Mỹ) đã hé lộ hóa thạch của cặp đôi "quái thú lồng nhau" đầy kinh hoàng: một hóa thạch thuộc nhóm ichthyosaurs (thằn lằn cá) mang trong bụng một hóa thạch loài bò sát biển khác gần bằng nó. Hai quái thú biển khơi này đã nuốt nhau 240 triệu năm về trước, gây cái chết tức thời cho cả 2.
Cận cảnh vùng bụng hóa thạch có "khối u" lớn, là bữa ăn cuối cùng của quái thú lớn (trên). Con vật bên dưới chính là hình ảnh phục dựng về quái thú trong bụng - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Con lớn hơn bên ngoài thuộc loài Guizhouichthyosaurus, dài 4,6 m, mang hình dáng như một con cá heo khổng lồ. Giống loài này xuất hiện ở các đại dương vào đầu kỷ Tam Điệp, sau cuộc đại tuyệt chủng cuối kỷ Permi.
Giáo sư Ryosuke Montani, một trong các tác giả đứng đầu nghiên cứu, cho thấy không có bằng chứng nào cho thấy nó là sinh vật đứng đầu trong chuỗi thức ăn, cho đến khi họ phát hiện những gì tồn tại trong bụng nó.
Hóa thạch đôi "quái thú" trong phiến đá - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Hàm răng đáng sợ của "quái thú" lớn - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Trong bụng quái thú lớn là một con Xinpusarus xingyiensis không đầu, thuộc nhóm thalattosaurs. Nó giống thằn lằn hơn con lớn, có 4 chi dạng dính liền. Con vật này chuyên săn những con vật nhỏ, mềm trong đại dương như mực cổ đại, dựa theo kết cấu răng mà giới cổ sinh vật học đã tìm thấy ở các mẫu vật cùng loài. Con quái thú này cũng khổng lồ, dài tới 3,6 m.
Quái thú bị nuốt không bị dịch dạ dày của con lớn phá hủy nhiều, cho thấy con lớn đã chết rất nhanh sau bữa ăn kinh khủng và đầy tham lam này. Nó đã xé xác con mồi một phần, nhưng vẫn cố nuốt gọn một miếng lớn là toàn bộ thân và một đoạn đuôi ngắn của con vật.
Mỏ đá nơi cặp quái thú được tìm thấy, nay đã là một phần Bảo tàng Công viên Địa chất ở Xingyi, Trung Quốc - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Hóa thạch kinh dị này được tìm thấy trong một mỏ đá ở Trung Quốc vài năm trước. Để giữ nó toàn vẹn, người ta đã đem về bảo tàng nguyên khối đá lưu giữ con vật.
Bình luận (0)