Theo bài công bố vừa đăng tải trên Monthly Noitices of the Royal Astronomical Society, những phát hiện mới có thể "làm rung chuyển những hiểu biết về cách mà Milky Way phát triển thành thiên hà chúng ta thấy ngày nay".
Nhóm nghiên cứu đa quốc gia thuộc dự án "Thí nghiệm tiến hóa thiên hà Apache Point" từ Đài quan sát bầu trời kỹ thuật số Sloan (APOGEE) đã phát hiện ra "thiên hà hóa thạch" ẩn sâu ở gần trung tâm Milky Way. Đó là một thiên hà nhỏ hơn, từng va chạm với Milky Way "sơ sinh" 10 tỉ năm về trước.
"Hóa thạch" của thiên hà bị nuốt chửng nằm ở gần lõi Milky Way (đánh dấu bằng các quầng đỏ) - Ảnh: NASA/JPL-CALTECH/SDSS
Thiên hà đó đã bị thiên hà của chúng ta nuốt chửng khi va chạm. Nhưng nhờ vậy, nó đã biến thành một phần cơ thể của Milky Way và đạt được sự "bất tử", bởi Milky Way là một thiên hà thuộc dạng "quái vật" trong vũ trụ, rất to lớn và mạnh mẽ, đã trường tồn qua rất nhiều vụ va chạm bằng cách nuốt chửng đối thủ.
"Thiên hà hóa thạch" đó được đặt tên là Heracles (tức Héc-quin), vị anh hùng trong thần thoại Hy Lạp, con trai thần Zeus, người nhận được sự bất tử sau 12 chiến công lẫy lừng. Heracles chiếm tới 1/3 quầng hình cầu ở vùng lõi Milky Way, đã cùng Milky Way lớn lên và tiến hóa đến tầm cỡ "quái vật" như ngày nay.
Để nhận diện "thiên hà hóa thạch", các nhà nghiên cứu đã dùng thiết bị APOGEE ước lượng thành phần hóa học lẫn vận tốc bất thường của các ngôi sao gần trung tâm Milky Way. Bởi lẽ các ngôi sao của thiên hà khác thường mang tính chất khác với các ngôi sao "chính chủ".
Các phát hiện trên cho thấy Milky Way là một thiên hà rất đặc biệt với lịch sử dữ dội một cách bất thường, bởi đa số các thiên hà xoắn ốc khác thường có khởi đầu bình lặng hơn. Mlky Way có thể sẽ phải nghênh chiến lần nữa trong khoảng 2 tỉ năm nữa, khi một thiên hà khổng lồ khác mang tên Tiên Nữ (Andromera) va chạm.
Bình luận (0)