Theo Daily Mail, hóa thạch khổng lồ vừa được khai quật tại hệ tầng Prince Creek ở Alaska đã cung cấp cho khoa học hàng loạt răng và xương của những quái thú rất nhỏ bé thời khủng long. Kết quả phân tích từ Đại học Alska Fairbanks và Đại học Bang Florida (Mỹ) cho thấy chúng thuộc về 7 loài khủng long từng định cư ở Bắc Cực cổ đại.
Các nhà cổ sinh vật học đang làm việc tại hệ tầng Prince Creek - Ảnh: Đại học Alaska Fairbanks
Đó là những con non trong thời kỳ chu sinh, tức mới nở hoặc sắp nở, cùng một số khủng long vị thành niên. Chúng thuộc về 7 loài khác nhau, hình thái đa dạng, từ những quái thú nhỏ bé giống chim đến những siêu quái thú như khủng long bạo chúa T-Rex và thằn lằn gấu Bắc Cực.
Theo giáo sư Pat Druckenmiller từ Đại học Alaska Fairbanks, cách đây chưa lâu giới khoa học đã bị sốc khi biết rằng Bắc Cực cổ đại là nơi ưa thích của khủng long, mà khủng long bạo chúa là loài phổ biến nhất. Cho đến khi đó mọi người vẫn tin tưởng rằng chúng thường di chuyển đến phương Nam ấm áp để sinh sản như nhiều loài khác.
Ảnh đồ họa mô tả gia đình quái thú cổ đại - Ảnh: Đại học Alaska Fairbanks
Trích dẫn nghiên cứu, Science Alert cho rằng những bằng chứng mới đã khẳng định khủng long ưa thích Bắc Cực và dễ dàng sinh sản, nuôi con non trong vùng lạnh giá này.
Quá trình khai quật là một kỳ công bởi các hóa thạch con non rất mỏng manh và ghim chặt vào những lớp đá cổ xưa. Nhiều hạt nhỏ như hạt cát cũng chứa một phần xương và răng của chúng, đòi hỏi quan sát dưới kính hiển vi.
Phát hiện này đưa đến giả thuyết rằng nhiều con khủng long non đã phát triển khả năng ngủ đông để tồn tại qua môi trường khắc nghiệt của vùng đất này.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Current Biology.
Bình luận (0)