Theo bài công bố trên Proceedings of the National Academy of Science, hệ sao này có tới 3 ngôi, tất cả đều to lớn. Đáng chú ý nhất là ngôi sao chính K2-290A, một ngôi sao loại F có khối lượng bằng 1,2 lần và bán kính 1,5 lần Mặt Trời của chúng ta.
Nếu đứng trên một trong các hành tinh này, bạn sẽ quan sát được 3 mặt trời, trong đó có 1 mặt trời quay ngược - Ảnh: Christoffer Groenne
Gần nó là 2 ngôi sao thứ cấp mang tên K2-290B, là một sao lùn đỏ cách ngôi sao chính 113 đơn vị thiên văn (AU, 1 AU bằng khoảng cách Mặt Trời đến Trái Đất); và K2-190C, cũng là một sao lùn đỏ loại M, cách 2.467 AU.
Quanh ngôi sao chính K2-290A là 2 hành tinh cỡ lớn, đều là dạng hành tinh khí. Hành tinh thứ nhất K2-290Ab là một "Sao Hải Vương nóng", có bán kính gấp 3 lần Trái Đất. Hành tinh thứ 2 là "Sao Mộc ấm áp", bán kính gấp 11,3 lần Trái Đất. Một năm ở trên chúng lần lượt dài bằng 9,2 ngày và 48,2 ngày ở Trái Đất.
Nhưng điều gây sốc nhất mà dữ liệu quang phổ tiết lộ chính là hướng quay của ngôi sao mẹ hoàn toàn ngược lại với quỹ đạo của 2 hành tinh! Đĩa tiền hành tinh của hệ sao này cũng bị lệch một cách kỳ lạ, nghiên tận 124 độ chứ không phẳng, thẳng tắp như hệ Mặt Trời và hầu hết các thế giới tương tự khác trong vũ trụ.
Theo phân tích được trích dẫn trên Sci-News, chuỗi những hiện tượng kỳ lạ này có thể do tác động của các ngôi sao thứ cấp trong hệ sao và chính sự lệch trục của đĩa tiền hành tinh đã tạo ra "chuyển động ngược dòng" giữa ngôi sao và các "con".
Riêng việc đó là một hệ sao ba có sở hữu hành tinh đã đủ kỳ lạ. Năm ngoái, một nhóm nghiên cứu khác cũng phát hiện ra một hành tinh có 3 "mặt trời" như thế và gọi nó là "Tatoonie", là tên một hành tinh giả tưởng có 3 mặt trời trong phim "Chiến tranh giữa các vì sao" (Star Wars).
Bình luận (0)