Theo Live Science, họ đến từ thành phố cổ Abusir el Meleq ở vùng ngập lũ phía Nam Ai Cập, nơi có vô số xác ướp được chôn cất từ năm 1380 trước Công Nguyên đến năm 425 sau Công Nguyên.
3 chàng trai khôi ngô đã được ''tái sinh'' thành công từ 3 xác ướp trên dưới 2.000 năm tuổi - Ảnh: Parabon NanoLabs
Các nhà khoa học từ Viện Max Planck về Khoa học lịch sử nhân loại ở Tübingen (Đức) đã tiến hành giải trình tự DNA của 3 xác ướp nói trên vào năm 2017 và đó là lần đầu tiên bộ gene của một xác ướp được tái tạo thành công.
3 xác ướp tiếp tục được nghiên cứu bởi Parabon NanoLabs, một công ty công nghệ DNA ở Virginia (Mỹ). Lần này, họ sử dụng dữ liệu di truyền đã được giải mã để tạo ra các mô hình khuôn mặt 3D, thông qua một quy trình gọi là "phân tích kiểu hình DNA pháp y".
Quá trình tái tạo và tinh chỉnh các khuôn mặt dựa trên bản đồ nhiệt - Ảnh: Parabon NanoLabs
Kết quả là 3 gương mặt khôi ngô của 3 chàng trai Ai Cập khoảng 25 tuổi vừa được giới thiệu tại Hội nghị chuyên đề Quốc tế về Nhận dạng con người lần thứ 32, vừa tổ chức ở Orlando, Florida (Mỹ), theo New York Post.
3 chàng trai có làn da nâu nhạt, tóc sẫm màu, mang cấu tạo gene gần với cấu tạo gene của các cá thể hiện đại ở Địa Trung Hải hoặc Trung Đông hơn so với người Ai Cập hiện đại.
Theo tiến sĩ Ellen Greytak, giám đốc tin - sinh học của Parabon NanoLabs, thách thức lớn nhất khi làm việc với DNA của người cổ đại đó là DNA này thường có độ phân hủy cao và thường bị lẫn với DNA của vi khuẩn.
Bình luận (0)