Những hình ảnh đầu tiên do camera này thu được có độ chi tiết gấp đôi so với hình ảnh từ kính viễn vọng không gian Hubble.
Từ trước đến nay, nhiễu loạn khí quyển luôn là một trở ngại cho các đài thiên văn mặt đất để có thể chụp được hình ảnh vũ trụ một cách chi tiết. Để khắc phục hiện tượng này, các nhà khoa học đã phát triển một hệ thống quang học mang tên Adaptive Secondary Mirror (ASM), có khả năng thay đổi hình dạng.
Hệ thống này sử dụng từ trường để làm nổi một tấm kính cong cực mỏng, chỉ dày khoảng 1,5 mm, lơ lửng 9 m phía trên gương chính kính viễn vọng. Tấm gương mỏng này có thể được điều chỉnh để thay đổi hình dáng 1.000 lần/giây, chống lại hiện tượng lu mờ do bầu khí quyển gây ra. ASM được trang bị cho một bộ đôi kính viễn vọng Magellan, đặt tại đài thiên văn Las Campanas - Chile. Hệ thống gương nêu trên được đặt tên là MagAO (Magellan Adaptive Optics).
Vừa được đưa vào sử dụng, hệ thống kính này đã giúp các nhà khoa học phát hiện 2 ngôi sao mới. Các hình ảnh đầu tiên tập trung vào vùng Orion nebula cho thấy một đốm hình - trước đó rất mờ và không thể phân biệt được trên các hình ảnh chụp bởi kính viễn vọng thông thường - hiện lên rõ ràng là 2 ngôi sao mới nằm gần nhau. Phát hiện này được đăng tải trên tờ Astrophysical ngay sau đó.
Bình luận (0)