Theo Hiệp hội khối u não Mỹ, Glioblastoma là tế bào ung thư não nguy hiểm nhất từ trước tới nay mà sự sống trung bình của các bệnh nhân sau khi phát hiện chúng chỉ có thể sống hơn 14 tháng, trong khi việc chữa trị bằng phẫu thuật và xạ trị là gần như không thể.
Chúng có tốc độ tấn công và lây nhiễm các tế bào ung thư sang các mô khỏe mạnh rất nhanh, cũng như việc kiểm soát sự lây lan này lại là một rào cản lớn trong việc xây dựng phác đồ điều trị.
Tuy nhiên, mới đây các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Y John Hopkins, Baltimore, Maryland (Mỹ), đứng đầu là tiến sĩ Alfredo Quinones-Hinojosa, giáo sư phẫu thuật thần kinh và ung thư tiết lộ có thể kiểm soát hiệu quả tốc độ lây lan của các tế bào ung thư này, giúp kéo dài cuộc sống cho các bệnh nhân thêm nhiều năm.
Quinones-Hinojosa và nhóm nghiên cứu của ông đã tập trung vào một protein có tên gọi là NKCC1. Protein này giúp vận chuyển natri, kali và clo đến các tế bào (kể cả tế bào ung thư). Nhờ khả năng biến đổi hình dạng linh hoạt mà các tế bào có NKCC1 dễ dàng len qua các mô, di chuyển xa và nhanh hơn.
Nhóm nghiên cứu ban đầu đã thành công trên chuột trong phòng thí nghiệm trong việc điều tiết và ngăn chặn lượng protein này trong các tế bào với Bumetanid- một chất lợi tiểu thường dùng để chống phù, tăng bài tiết.
Tuy nhiên, giáo sư Quinones-Hinojosa cho biết nghiên cứu cần có thời gian để tiếp tục tìm hiểu thêm về các protein nhằm tìm ra được loại thuốc tốt hơn.
Bình luận (0)