Theo Sci-News, đó là một thế giới ngoạn mục xung quanh ngôi sao trẻ PDS 70, mới chỉ 5,4 triệu năm tuổi, độ tuổi "sơ sinh" trong đời sống của một hệ sao.
Chấm sáng chinh là một trong 2 hành tinh "sơ sinh" - Ảnh: ALMA
Ngôi sao loại K7 này nằm cách xa Trái Đất 370 năm ánh sáng, thuộc chòm sao Centaurus, còn có tên V*V1032 Cen hoặc IRAS 14050-4109. Nó đã kịp sinh ra 2 tiền hành tinh và vẫn còn dấu vết một đĩa bụi và khí khổng lồ ở khu vực cách sao mẹ từ 40 đơn vị thiên văn (AU) trở đi, cho thấy sẽ còn nhiều thứ thú vị khác tiếp tục được hình thành
Hành tinh đầu tiên của nó, nói đúng hơn mới chỉ là một tiền hành tinh, nằm cách sao mẹ 22 AU, tương đương 22 lần khoảng cách Mặt Trời – Trái Đất, tương đương khoảng cách Mặt Trời – Sao Thiên Vương.
Hành tinh thứ 2 mang tên PDS 70c mới thực sự thú vị. Cách 34 đơn vị thiên văn, nó nằm ở vị trí tương đương Sao Hải Vương trong hệ Mặt Trời. Và theo tiến sĩ Myriam Benisty từ Đại học Grenonle và Đại học Chile, cho dù vẫn chỉ là một tiền hành tinh non trẻ, nó đã kịp bắt đầu "sinh con".
Toàn cảnh "hệ mặt trời" non trẻ - Ảnh: ALMA
Hành tinh sơ sinh này tuy chưa định hình hoàn toàn vẫn được bao bọc xung quanh bởi một đĩa khí bụi khác, nơi được dự đoán sẽ hình thành ít nhất 3 vệ tinh tự nhiên có kích cỡ tương đương mặt trăng của Trái Đất.
Phát hiện độc đáo nói trên giúp các nhà khoa học có dữ liệu xác thực để chứng minh các lý thuyết về hình thành các hệ sao và hành tinh. Hơn 4.000 ngoại hành tinh đã được phát hiện trước đây nhưng hầu hết đều là các thế giới trưởng thành. Bắt được khoảnh khắc một hệ sao với mọi thứ vẫn đang ở trạng thái hình thành dang dở như thế này là một cơ hội độc nhất vô nhị, theo tiến sĩ Stefano Facchini từ Đài thiên văn Nam Âu, đồng tác giả.
Nghiên cứu vừa công bố trên Astrophysical Journal Letters.
Bình luận (0)