Hộp đen mang lại rất nhiều lợi ích cho tài xế và doanh nghiệp vận tải
Giám sát hiệu quả nhiên liệu, hàng hóa
Ngoài những tính năng cơ bản như giám sát lộ trình, tốc độ và hành vi lái xe, các tiện ích của hộp đen hiện nay đã tích hợp được thêm nhiều ứng dụng quản lý khác. Cụ thể, với những loại xe tải như container, xe đông lạnh..., DN có thể quản lý, giám sát hàng hóa trên xe qua cảm biến giám sát gắn trong hộp đen, hạn chế tối đa tình trạng mất cắp hàng hóa trong quá trình vận chuyển. Với xe khách, tình trạng nhồi nhét, chở quá số người quy định cũng được giám sát qua công nghệ chụp hình ảnh và cảm biến hồng ngoại gắn ở cửa lên/xuống xe, giúp chủ xe có thể theo dõi và điều chỉnh ngay vi phạm của lái xe.
Theo ông Trịnh Văn Long, Giám đốc kỹ thuật Công ty Asian Dragon, nạn “ăn gian” của tài xế như rút xăng dầu, đi đường vòng né trạm thu phí… cũng khiến nhiều chủ xe đau đầu trong việc quản lý nhiên liệu. Công nghệ giám sát tiêu hao xăng dầu được tích hợp trong hộp đen có thể giám sát gần như tuyệt đối. Đó là tích hợp cảm biến lưu lượng dòng chảy (công nghệ Ukraine - châu Âu), đo chính xác mức độ tiêu hao nhiên liệu của động cơ, giúp quản lý hiệu quả chi phí nhiên liệu.
Ông Hoàng Dũng, chủ một DN vận tải - xây dựng tại TPHCM, cho biết: “Từ khi lắp đặt hộp đen cho các xe, chúng tôi có thể dễ dàng quản lý đường đi của các xe tải chở vật liệu, nắm được lượng nhiên liệu sử dụng và quan trọng hơn là bảo đảm được sự an toàn cho xe và lái xe”.
Chủ yếu là ngại tốn kém
Tuy nhiên, thực tế hiện nay đa số DN vận tải vẫn chưa chú trọng đầu tư lắp đặt hộp đen hoặc lắp cho có để đối phó mà không sử dụng. Ông Nguyễn Văn Tường, giám đốc kinh doanh một công ty cung cấp thiết bị định vị, cho biết có nhiều nguyên nhân khiến DN vận tải thờ ơ đầu tư nhưng vấn đề lớn nhất là do ngại tốn kém. Bình quân, một hộp đen đạt chuẩn sau khi lắp ráp và đăng ký dịch vụ cơ bản, chi phí thấp nhất ở mức 4 triệu đồng/xe/năm và khoảng 7 triệu đồng/xe với dịch vụ quản lý, giám sát nhiêu liệu, hàng hóa… Đây là chi phí không nhỏ khiến nhiều DN phải “đối phó” với nghị định.
Đối với một số DN thật sự muốn nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải thì cũng gặp không ít bất cập khi triển khai. Đó là chất lượng thiết bị hộp đen hiện nay thật sự chưa được cơ quan Nhà nước giám sát chặt chẽ. Tình trạng các công ty cung cấp sản phẩm này mọc lên như “nấm sau mưa” từ khi ban hành nghị định trên. Điều này khiến thị trường sản phẩm hộp đen trở nên bát nháo. Phần lớn, các loại thiết bị được nhập từ Trung Quốc, được “phù phép” mang nhãn mác sản xuất tại Việt Nam với đầy đủ các loại giấy chứng nhận khiến người mua không khỏi e ngại. Đã có nhiều DN vận tải phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì đã tốn một khoản chi phí không nhỏ để trang bị cho đội xe của mình một đống thiết bị “dỏm”, hư hỏng liên tục rồi chết yểu sau vài tháng hoạt động với sự phủi tay của các đơn vị cung cấp sản phẩm thiếu uy tín.
Theo kết quả khảo sát việc lắp đặt hộp đen ô tô của DN vận tải ở TP Đà Nẵng do Phòng Khoa học - Công nghệ (Sở GTVT TP Đà Nẵng) thực hiện mới đây, chỉ có 2/16 DN đạt các tiêu chí cơ bản do Bộ GTVT đề ra.
Cần hợp đồng bảo hiểm “Cần có cơ chế giám sát của Nhà nước đối với các đơn vị cung cấp sản phẩm dịch vụ. Nhà nước nên có hướng giải quyết bằng cách bảo hộ và liên kết đối với một số đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín. Các công ty cung cấp sản phẩm dịch vụ cần có hợp đồng bảo hiểm cho người mua bằng cách liên kết với các đơn vị cung cấp dịch vụ được cơ quan Nhà nước bảo hộ trong trường hợp có sự cố xảy ra. Khi đó, người mua có thể yên tâm hơn” - ông Nguyễn Văn Tường, giám đốc kinh doanh một công ty kinh doanh thiết bị định vị, đề xuất. |
Bình luận (0)