Theo Science Alert, vật thể được tìm thấy từ một sự kiện thiên văn bí ẩn gọi là MOA-11-191/OGLE-11-0462, được phát hiện bởi 2 cuộc khảo sát riêng biệt mang tên Thí nghiệm thấu kính hấp dẫn quang học (OGLE) và Quan sát microlensing trong vật lý thiên văn (MOA).
Nó vừa được xác định là một lỗ đen, hiện đang lang thang ở vùng không gian cách Trái Đất 5.200 năm ánh sáng.
Sự kiện MOA-11-191/OGLE-11-0462 qua 8 lần quan sát của Hubble - Ảnh: Hubble/NASA/ESA
Nghiên cứu quốc tế dẫn đầu bởi tiến sĩ Kailash Sahu từ Viện Khoa học Kính viễn vọng không gian cho biết đây là lần đầu tiên một lỗ đen lang thang được nắm bắt, cho dù các tính toán cho thấy có khoảng 10 triệu đến 1 tỉ cái như thế, mang khối lượng chỉ tương đương một ngôi sao khổng lồ, đang trôi dạt khắp thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà).
Nhưng chúng ta không thể nhìn thấy chúng, vì lỗ đen hoàn toàn tối tăm. MOA-11-191/OGLE-11-0462 được phát hiện một cách gián tiếp thông qua những ảo ảnh mà nó đang gieo rắc khắp nơi.
Trường hấp dẫn của lỗ đen này bẻ cong không - thời gian xung quanh, do đó làm cong và xoắn bất cứ ánh sáng nào truyền qua đó. Khi quan sát một số ngôi sao, các nhà khoa học đã nhận ra thứ vô hình đang phóng đại và bẻ cong ánh sáng sao: chính là lỗ đen họ tìm kiếm.
Trước đó, lỗ đen chỉ được 2 cuộc khảo sát biết đến như là một vật thể chưa rõ chủng loại, đang di chuyển trong Milky Way với tốc độ 45 km/giây, biểu thị qua sự kiện phóng đại ánh sáng sao MOA-11-191/OGLE-11-0462 xuất hiện từ ngày 2-6 và đạt cực đại ngày 20-7-2011, kéo dài trong suốt 270 ngày với mức độ cao bất thường.
Đối chiếu các khả năng khác nhau và dữ liệu từ 8 đợt quan sát của Kính viễn vọng không gian Hubble, họ đã nhận thấy chỉ có lỗ đen mới đáp ứng được tất cả các dấu hiệu.
Lỗ đen lang thang này nặng khoảng 7,1 lần khối lượng Mặt Trời và có đường kính khoảng 42 km.
Bình luận (0)