Lỗ đen Sagittarius A* (Sgr A*) là dạng lỗ đen siêu khối, còn được gới thiên văn gọi là "lỗ đen quái vật", nặng bằng 4 triệu lần Mặt Trời và được cho là đang say ngủ suốt nhiều năm nay. Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng về những ngôi sao và đám mây khí mất tích bí ẩn ở gần nó.
Nghiên cứu mới công bố trên Astrophysical Journal, từ Viện Khoa học Kính viễn vọng không gian của NASA đã nắm bắt được những chùm bức xạ tử thần bí ẩn mà lỗ đen quái vật này thỉnh thoảng phát ra, tỏa ra thành dạng đồng hồ cát ở phía trên và dưới mặt phẳng thiên hà chứa Trái Đất.
Hình ảnh tổng hợp với màu vàng đại diện cho những đám mây hydro quan sát bởi Hubble, màu xanh lam là dữ liệu từ Chandra, màu xanh lục là dữ liệu Alma, màu đỏ là dữ liệu LVA. Một cột trắng mờ đánh dấu cho dòng phản lực từ lỗ đen phun trào ra bên ngoài sau khi nuốt chửng vật chất - Ảnh: NASA/ESA/Cecil/STScI
Theo SciTech Daily, các chùm plasma kinh hoàng này đốt nóng khí bên ngoài mặt phẳng thiên hà, tạo thành tia Gamma và tia X mà các kính viễn vọng của người Trái Đất đã nắm bắt được.
Trong các bằng chứng, nổi bật nhất là hình ảnh Kính viễn vọng không gian Hubble (NASA/ESA) chụp được về một nút khí sáng bị tác động bởi một tia phản lực vô hình từ lỗ đen.
Theo các tác giả, vào thời thiên hà chứa Trái Đất còn non trẻ, lỗ đen trung tâm này đã sáng rực rỡ như một chuẩn tinh (trông như một ngôi sao trên bầu trời, nhưng thực chất không phải sao) vì những bức xạ mà nó phát ra khi ngấu nghiến vật chất.
Hiện nay, lỗ đen ngủ hầu hết thời gian nhưng vẫn thức dậy thường xuyên để ăn những bữa nhẹ nếu có vật thể xui xẻo nào lảng vảng gần nó. Theo nhà thiên văn học Geral Cecil từ Đại học Bắc Carolina, thành viên nhóm nghiên cứu, các bằng chứng nói trên cũng được đối chiếu với một lỗ đen quái vật đang hoạt động thuộc thiên hà NGC 1068, cách Trái Đất 47 triệu năm ánh sáng.
Ở lần "ăn uống" dữ dội gần đây nhất, ước tính mới 2-4 triệu năm trước, lỗ đen quái vật của chúng ta đã tạo ra đủ năng lượng cho 2 bong bóng tia gamma khổng lồ được phát hiện bởi Kính viễn vọng Không gian tia gamma Fermi của NASA năm 2010, bao quanh bởi 2 bong bóng tia X được phát hiện bởi vệ tinh ROSAT năm 2003.
Bình luận (0)