"Một trong những kịch bản khoa học viễn tưởng được ấp ủ nhất là sử dụng lỗ đen làm cánh cổng đến một chiều không gian khác, một thời gian khác hoặc một vũ trụ khác. Sự tưởng tượng đó có thể gần với thực tế hơn chúng ta nghĩ trước đây"- giáo sư Gaurav Khanna, đến từ Đại học Massachusetts Dartmouth (Mỹ), viết trên tờ The Conversation về kết quả nghiên cứu mới nhất của đơn vị ông và các cộng sự tại Đại học Georgia Gwinnett.
Những lỗ đen siêu lớn sẽ là con đường an toàn để du hành không - thời gian?
Theo giáo sư Khanna, lỗ đen là vật thể bí ẩn nhất vũ trụ. Các nghiên cứu cho thấy nó rất có thể sinh ra khi trọng lực không giới hạn nghiền nát một ngôi sao sắp chết, dẫn đến sự hình thành một điểm kỳ dị - nơi ngôi sao bị nén xuống thành một điểm duy nhất và trở thành vật thể có mật độ vô hạn. Điển kỳ dị này dày đặc, nóng bỏng, hút mọi thứ xung quanh và tạo ra một lỗ hổng trong kết cấu không – thời gian. Vì vậy nó có thể là lối tắt cho phép du hành không gian siêu tốc.
Kính viến vọng SOAR ở Hawaii, nơi quan sát được sự ra đời của lỗ đen cùng hình ảnh mô phỏng sao neurton và một lỗ đen đang được sinh ra - ảnh: NASA
Tuy nhiên, nếu đi vào lỗ đen, tàu vũ trụ sẽ phải chịu đựng tác động tổng thể tử sức nóng và áp lực cực lớn, có thể dẫn đến bốc hơi hoàn toàn.
Vì vậy, các nhà khoa học hướng đến dạng lỗ đen lớn và xoáy, cho phép một số vật chất có thể đi qua khá yên bình. Và ngay trong thiên hà Milky Way của chúng ta có một ứng viên: lỗ đen "quái vật" Sagittarius A * (Nhân Mã A *) - lỗ đen trung tâm khổng lồ của thiên hà.
Bí ẩn xung quanh các lỗ đen cũng vừa được phơi bày rõ hơn qua nghiên cứu vừa được công bố gần như song song với bài báo trên từ nhóm khoa học gia đang làm việc ở đài thiên văn của Mỹ đặt tại Hawaii.
Lỗ đen "Con Bò" - ảnh: Đại học Northwestern
Theo trợ lý giáo sư – tiến sĩ Raffaella Margutti, đến từ Đại học Northwestern (Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu, ông và các cộng sự đã phát hiện một tia sáng rực rỡ và bí ẩn phát ra từ chòm sao Hercules. Ban đầu các nhà khoa học nghĩ nó là siêu tân tinh – lần bùng nổ, phát sáng huy hoàng cuối cùng của một ngôi sao trước khi chết - và đặt biệt danh là "The Cow", tức "Con Bò", tên khoa học chính thức là AT2018cow.
Tuy nhiên, qua 1 năm nghiên cứu, họ phát hiện ra rằng mình là những người đầu tiên ghi nhận được sự ra đời của một lỗ đen. Giống như những gì nhà khoa học Gaurav Khanna viết trong nghiên cứu bên trên, đó thực sự là quá trình một ngôi sao sụp đổ, bị nén lại và từ đó lỗ đen được sinh ra. Quá trình diễn ra suốt 16 ngày. Nhưng lỗ đen sơ sinh nói trên cách chúng ta đến 200 triệu năm ánh sáng, tức khi con người nhìn thấy cuộc cuộc sinh nở khác thường trên thì ở nơi xa xôi đó lỗ đen kia đã được 200 triệu năm tuổi.
Bình luận (0)