Theo nhóm nghiên cứu quốc tế dẫn đầu bởi nhà thiên văn Khalid Barkaoui từ Đại học Liege (Bỉ), có thể tưởng tượng WASP-193 như một quả bóng mây hoặc một chiếc kẹo bông khổng lồ.
Nó có kích thước lớn hơn hành tinh vĩ đại nhất hệ Mặt Trời là Sao Mộc tới 50% nhưng khối lượng chỉ bằng... 0,139 lần.
Hành tinh kẹo bông WASP-193b - Ảnh đồ họa từ NASA
Từ kích thước của hành tinh này, các nhà khoa học suy ra mật độ của nó chỉ là 0,059 g/cm3, so với Trái Đất (5,51 g/cm3) thì nhẹ hơn cả trăm lần.
Theo Science Alert, các nhà nghiên cứu kết luận nó thực sự là một hành tinh mây, gần như làm toàn bằng mây, có thể kèm một lõi thật nhỏ ở giữa.
Trước đó, một số hành tinh siêu nhẹ đã được tìm thấy nhưng tình trạng đó chỉ là ngắn hạn, khi ngôi sao mẹ của nó còn trẻ và chỉ vài chục triệu năm tuổi, nên quá nóng và khiến bầu khí quyển hành tinh gần nó căng phồng lên.
WASP-193b gần sao mẹ thật, một ngôi sao giống với Mặt Trời, có kích thước và nhiệt độ xấp xỉ. Nó quay quanh sao mẹ mỗi 6,25 ngày, tức rất gần.
Nhưng có điều, theo các lý thuyết và mô hình đã được chứng minh thực tế bởi các hành tinh bị căng phồng khác, sau vài triệu đến vài chục triệu năm căng phồng, hành tinh này lẽ ra phải bị sao mẹ tước bỏ toàn bộ khí quyển và trở thành một viên đá nhỏ bé.
Điều vô lý nằm ở chỗ ngôi sao mẹ WASP-193 của "hành tinh kẹo bông" này đã 6 tỉ năm tuổi, tức tuổi của WASP-193b cũng xấp xỉ.
Đó là câu đố mà nhóm khoa học gia chưa thể giải đáp được, nhưng họ tin rằng khi kính viễn vọng không gian James Webb mạnh nhất thế giới nhắm vào WASP-139b, nó sẽ giúp cung cấp dữ liệu chi tiết hơn và đem đến câu trả lời được mong đợi.
Dù cho câu trả lời là như thế nào, "hành tinh kẹo bông" này là một phát hiện độc đáo và thú vị, cho thấy sự đa dạng khó tin của thế giới các hành tinh.
Bình luận (0)