Đó là lập luận của giáo sư Steve Brusatte, nhà cổ sinh vật học từ Đại học Edinburgh (Scotland - Vương quốc Anh). Dựa trên một loạt nghiên cứu về hóa thạch nhiều loài động vật khác nhau, ông và các cộng sự đã giúp cung cấp một cái nhìn sâu sắc về cách muôn loài - bao gồm con người - biển đổi để tồn tại trong các giai đoạn biến đổi khí hậu.
Theo The Guardian, giáo sư Brusatte ví hoàn cảnh tiềm tàng của con người tương tự như những con ngựa thời kỳ đầu, chúng trở nên nhỏ hơn về kích thước cơ thể khi nhiệt độ tăng lên vào khoảng 55 triệu năm trước, thời kỳ được gọi là Cực đại nhiệt Paleocen Eocen.
Giáo sư Steve Brusatte - Ảnh: THE GUARDIAN
Hiện tượng này cũng được ghi nhận khi hóa thạch một số loài người cổ đại được liên kết với các điều kiện sống, ví dụ như Homo floresiensis, tức "người Hobbit", từng sống trên đảo Flores thuộc Indonesia ngày nay, được cho là tuyệt chủng vài chục triệu năm trước.
Viết trong The Rise and Reign of the Mammals, giáo sư Brusatte lưu ý rằng động vật ở những vùng ấm hơn trên địa cầu ngày nay thường nhỏ hơn động vật vùng lạnh, một nguyên tắc sinh thái được gọi là "quy luật của Bergmann".
"Không hoàn toàn hiểu được lý do, nhưng có lẽ một phần là do động vật nhỏ hơn thì có diện tích bề mặt ít hơn do đó có khả năng thải nhiệt dư thừa tốt hơn" - The Guardian trích dẫn phân tích.
Phát hiện nói trên một lần nữa cảnh báo con người về những thay đổi sâu sắc và đáng lo ngại lên toàn thể nhân loại và sinh vật địa cầu trước cuộc khủng hoảng khí hậu - gây nên bởi chính con người.
Trong một nghiên cứu gần đây, một nhóm khoa học gia quốc tế dẫn đầu bởi tiến sĩ Manuel Will từ Khoa Sinh thái Sơ sử và Đệ Tứ, Đại học Tübingen - Đức, nghiên cứu về hài cốt con người trong hàng triệu năm, cũng chỉ ra nhiệt độ là một yếu tố dự báo chính về sự biến đổi kích thước cơ thể.
Bình luận (0)