Loài côn trùng Neotrogla được tìm thấy cách đây 18 năm, có kích thước chỉ từ 2,7 mm đến 3,7 mm. Khi phân tích 4 loài côn trùng thuộc chi Neotrogla ở những hang động xa xôi ở Brazil, các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi phát hiện có sự đảo ngược vai trò cơ quan sinh dục của chúng.
Cận cảnh bộ phận sinh dục của côn trùng Neotrogla
Bộ phận sinh dục của con cái trông giống như dương vật gọi là gynosome, dài khoảng 1/7 chiều dài cơ thể bao gồm ống dẫn, các cơ, màng và gai sinh dục. Ngược lại, bộ phận sinh dục con đực lại có cấu tạo giống âm đạo. Đặc biệt, thời gian một lần giao phối của chúng kéo dài từ 40 - 70 giờ.
Trong khi giao phối, con cái sẽ đưa “vòi” của chúng vào bộ phận sinh dục con đực và bắt đầu hút cạn tinh trùng. Ngoài ra, lớp màng bên trong cơ quan sinh dục con cái sẽ phồng lên, gai trên bộ phận sinh dục của con cái có “nhiệm vụ” gắn chặt hai cá thể với nhau - đến mức phần bụng con đực bị đứt hẳn ra. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng gì tới bộ phận sinh dục con đực.
Tác giả nghiên cứu - nhà côn trùng học Kazunori Yoshizawa thuộc ĐH Hokkaido (Nhật Bản) - giải thích thêm: “Gynosomes là cấu trúc hoàn toàn mới trong sự tiến hoá. Sự phát triển mới lạ này rất hiếm, có thể so sánh với nguồn gốc các loài côn trùng có cánh.”
Con cái mang bộ phận sinh dục đực và giao phối đến 70 giờ
Theo các nhà khoa học, sở dĩ sinh vật này có đặc điểm sinh sản độc đáo như vậy là do chúng sống trong môi trường hang động khô khan. Môi trường sống nghèo nàn chất dinh dưỡng nên việc con cái thường xuyên giao phối với con đực sẽ là một thuận lợi lớn cho sự phát triển của nó bởi lượng chất dinh dưỡng và tinh trùng nó nhận được từ tinh dịch của con đực.
Hành vi tình dục của loài này có dấu hiệu cưỡng chế từ con cái. Mặc dù ở hầu hết động vật, hành động cưỡng chế trong quan hệ tình dục thuộc tính năng độc quyền của giống đực.
Phát hiện này được công bố trên tạp chí Current Biology hôm 17-04.
Bình luận (0)