Công trình mà tờ The Telegraph ca ngợi là "nghiên cứu đột phá" này đã sử dụng dữ liệu từ 2.322 trẻ em sinh ra ở Anh và xứ Wales nhằm lý giải phần nào nguyên nhân khiến các vấn đề tâm thần ở thanh thiếu niên có xu hướng gia tăng và gây lo ngại.
Thành phố London - Anh bị ô nhiễm nặng do đông đúc và nhiều xe cộ - ảnh: PA
Theo các tác giả đến từ Đại học King's College London, khoảng 1/3 thanh thiếu niên từng báo cáo về việc nghe hoặc nhìn thấy thứ gì đó hay cảm thấy mình bị hoang tưởng ít nhất 1 lần trong độ tuổi từ 12 đến 18. Những ảo giác, hoang tưởng thoáng qua có thể không nghiêm trọng lúc đó nhưng có thể khởi nguồn cho các tình trạng tâm thần đáng lo ngại hơn trong tương lai.
Tác giả chính, tiến sĩ Joanne Newbury, nói: "Những trải nghiệm tâm thần phổ biến hơn đáng kể ở những thanh thiếu niên tiếp xúc với mức độ ô nhiễm cao hơn".
Theo nghiên cứu, nhóm tiếp xúc với lượng NO cao nhất có tỉ lệ mắc bệnh tâm thần cao hơn 72% so với nhóm ít phơi nhiễm; nhóm tiếp xúc với NO2 cao nhất thì tỉ lệ tâm thần cao hơn 71%; nhóm tiếp xúc với các hạt vật chất ở mức cao nhất, tỉ lệ cao hơn 45%. Nguồn phát thải các khí, vật chất hạt này chủ yếu là từ các phương tiện giao thông.
Các lý thuyết cho rằng nguyên nhân đến từ việc các hạt vật chất ô nhiễm nhỏ, mịn có thể xâm nhập não, gây viêm; hoặc khiến các hóa chất đi vào các cơ quan khác của cơ thể. Ô nhiễm tiếng ồn ở các thành phố đông đúc cũng góp phần vào tỉ lệ loạn thần thanh thiếu niên.
Nhiều thành phố ở Anh từ lâu đã ngập chìm trong vấn nạn ô nhiễm không khí. Tại London, có khi nồng độ hạt ô nhiễm siêu mịn PM2.6 lên tới 60 µg/m3 trong giờ cao điểm.
Nghiên cứu trênvừa công bố trên tạp chí khoa học JAMA Psychiatry.
Bình luận (0)