Người tiêu dùng, người sản xuất đều có lợi
Việc áp dụng dán nhãn năng lượng đã được thực hiện rất hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Ở nước ta, từ năm 2009, Bộ Công Thương đã bắt đầu triển khai thí điểm dán nhãn năng lượng tự nguyện cho một số sản phẩm như đèn tuýp, đèn compact, quạt điện… Tuy nhiên, phải đến năm 2011, khi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành, hoạt động này mới được triển khai rộng khắp.
Theo Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM (ECC-HCMC), việc thực hiện dán nhãn năng lượng cho sản phẩm, doanh nghiệp sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện. Như vậy, nhãn năng lượng giúp sản phẩm cạnh tranh hơn so với sản phẩm không có nhãn năng lượng.
Anh Đức Trung (huyện Bình Chánh - TPHCM) cho biết việc dán nhãn năng lượng là điều cần thiết vì nó sẽ giúp người tiêu dùng định vị được sản phẩm nào có khả năng tiết kiệm năng lượng so với vô số sản phẩm cùng loại khác trên thị trường. Anh Minh Tâm, chủ một cửa hàng kinh doanh đồ điện gia dụng ở quận 6 - TPHCM, cho rằng hiện nay người dân rất quan tâm đến các sản phẩm gia dụng tiết kiệm điện. Tuy nhiên, khi người dân hỏi mua, dù được người bán hàng giới thiệu đó là sản phẩm tiết kiệm điện nhưng nhiều người vẫn hoài nghi. Việc dán nhãn năng lượng sẽ giúp các nhà sản xuất tự khẳng định mình với người tiêu dùng, rất có ích cho nhà sản xuất, người kinh doanh lẫn người tiêu dùng trong bối cảnh giá năng lượng cao như hiện nay.
Nên tích cực dán nhãn năng lượng
Theo hướng dẫn của ECC-HCMC, nhãn năng lượng là nhãn cung cấp thông tin về loại năng lượng sử dụng, mức tiêu thụ năng lượng, hiệu suất năng lượng và các thông tin khác nhằm giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng. Nhãn năng lượng gồm 2 loại: Loại thứ nhất là nhãn so sánh, cung cấp thông tin về mức tiêu thụ năng lượng, loại năng lượng sử dụng, hiệu suất năng lượng và các thông tin khác giúp người tiêu dùng so sánh với các sản phẩm cùng loại, được hiển thị tương ứng với 5 cấp hiệu suất năng lượng theo quy định (thể hiện bằng số sao trên nhãn); loại thứ hai là nhãn xác nhận, chứng nhận phương tiện, thiết bị có hiệu suất năng lượng cao nhất so với phương tiện, thiết bị khác cùng loại.
Hiện cả nước có 4 trung tâm có thể kiểm định chất lượng sản phẩm dán nhãn, gồm: Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 và 3 (Quatest 1 và 3), Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TPHCM, Trung tâm Thử nghiệm - Kiểm định Công nghiệp thuộc Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ. Các đơn vị này được Bộ Công Thương chỉ định để doanh nghiệp có thể liên hệ kiểm định khi làm hồ sơ dán nhãn năng lượng cho sản phẩm của mình.
Lộ trình dán nhãn Ngày 4-4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã ký ban hành Thông tư 7/2012/TT-BCT quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng. Theo đó, từ năm 2013, lộ trình dán nhãn tiết kiệm năng lượng được áp dụng với 5 nhóm sản phẩm: Nhóm các sản phẩm gia dụng sẽ bắt buộc dán nhãn năng lượng sau ngày 1-1-2013. Nhóm thiết bị văn phòng và thương mại bắt buộc dán nhãn năng lượng từ ngày 1-1-2015. Nhóm thiết bị công nghiệp bắt buộc dán nhãn năng lượng từ ngày 1-1-2013. Nhóm phương tiện GTVT sẽ dán nhãn năng lượng bắt buộc sau năm 2015. Nhóm sản phẩm vật liệu tiết kiệm năng bắt buộc dán nhãn năng lượng sau ngày 1-1-2015. |
Bình luận (0)