Theo Live Science, nhóm tác giả dẫn đầu bởi Viện Khoa học hạt nhân và địa chất New Zealand (GNS Science) đã lập bản đồ chi tiết Zealandia, một lục địa với hầu hết diện tích bị chìm dưới đáy biển.
Những phần nổi lên hiếm hoi của nó hiện là New Zealand và quần đảo New Caledonia thuộc Pháp.
Hình ảnh phần nổi của Zealandia (trái) và các bản đồ thể hiện địa hình thực sự của toàn bộ "lục địa bị thất lạc" này - Ảnh: GNS Science
Việc lập bản đồ này cũng giúp các nhà khoa học "ngược dòng thời gian" địa chất, khám phá ra điều kinh hoàng xảy ra từ thời đất đai Trái Đất còn gộp thành siêu lục địa Gondwana ở phía Nam (gồm châu Phi, Nam Mỹ, châu Đại Dương, châu Nam Cực ngày nay và Zealandia) và siêu lục địa Laurasia phía Bắc (châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ).
Theo bài công bố trên tạp chí Tectonics, bí ẩn về số phận "bi thảm" của Zealandia bắt nguồn từ một khu vực phía Bắc lục địa này, hiện chìm dưới vùng nước giữa New Zealand, New Caledonia và Úc.
Hoạt động của một vùng núi lửa khổng lồ chứa dung nham từ tính, trải dài theo ranh giới giữa nơi là châu Đại Dương ngày nay và Zealandia đã xé toạc lục địa bé nhỏ này ra khỏi khối Gondwana.
Dung nham chảy tràn khỏi các vết nứt, tạo nên một "đại hồng thủy lửa" khiến vùng tiếp giáp này "giãn ra và mỏng đi như bột bánh pizza", theo mô tả của nhà địa chất Nick Nortimer từ GNS Science.
Vùng dung nham lan tràn trên diện tích 250.000 km2 - to bằng New Zealand - nên sức mạnh tàn phá vô cùng khủng khiếp.
Sau Zealandia, các phần khác của Gondwana và cả Laurasia cũng lần lượt bị xé toạc bởi các tác động mạnh mẽ của quá trình gọi là "kiến tạo mảng", tức các mảng kiến tạo - có thể hiểu nôm na là mảnh vỏ Trái Đất - di chuyển, trượt lên nhau, cõng theo các lục địa và đại dương bên trên chúng chuyển dịch và biến đổi.
Bình luận (0)