Bài công bố mới đây trên tạp chí Science Advances khẳng định quê hương của thiên thạch NWA 7533 chính là Sao Hỏa, nơi các tàu vũ trụ mang theo thiết bị tự hành của con người đang nỗ lực khai phá.
Mảnh thiên thạch tuyệt đẹp từ Sao Hỏa - Ảnh: NASA
Giáo sư Takashi Mikouchi từ Đại học Tokyo (Nhật), tác giả đứng đầu nghiên cứu, tiết lộ rằng NWA 7533 thực sự là một kho báu. Kết quả thu thập được sau 4 kiểu phân tích quang phổ đã hé lộ thứ bất ngờ: bằng chứng trực tiếp của nước từng tồn tại trên hành tinh đỏ.
Đó chính là quá trình oxy hóa magma, chỉ có thể xảy ra với sự hiện diện của nước nước lên đá phân mảnh Igneous trong thiên thạch, khi một cú va chạm ngoài hành tinh đủ làm tan chảy một phần lớp vỏ. Điều này cũng góp phần vào sự nóng lên của hành tinh sau khi đã hình thành một bầu khí quyển cách nhiệt dày đặc của carbon dioxit 4,4 tỉ năm trước – cũng là tuổi đời của thiên thạch. Sự nóng lên này sẽ giúp Sao Hỏa có trạng thái hoàn hảo để duy trì nước lỏng và vòng tuần hoàn của nước giống như Trái Đất.
Sao Hỏa - Ảnh: NASA
Như vậy, đây không chỉ là bằng chứng gần gũi nhất về việc hành tinh đỏ cổ đại từng có nước, mà còn cho thấy nước đã hiện diện tên đó tận 4,4 tỉ năm, lâu hơn ước đoán trước đây là 3,7 tỉ năm. Nước có thể là sản phẩm phụ được sinh ra trong quá trình tiến hóa của Sao Hỏa non trẻ.
Thiên thạch này và một thiên thạch khác mang số hiệu NWA 7034 cùng được tìm thấy năm 2012. Cả 2 được đem đi đối chiếu với các mẫu vật mà các tàu vũ trụ đang làm việc trên Sao Hỏa thu thập được, kết quả cho thấy chúng đều là một mảnh từ hành tinh này "du hành" đến địa cầu. Nhóm nghiên cứu nói trên đã lấy một mẩu để phân tích.
Kết quả may mắn trên giúp khẳng định cơ hội sống được của Sao Hỏa, cho dù có thể chỉ là sự sống cổ đại, là điều khích lệ và định hướng cho các cuộc săn sự sống đã và đang diễn ra trên hành tinh đỏ. Nước chính là điều kiện quan trọng để sự sống được nuôi dưỡng. Ngoài ra, có một điều chúng ta nên nhớ: Sao Hỏa cũng là một hành tinh thuộc "vùng sự sống" Goldilocks của hệ Mặt Trời như Trái Đất.
Bình luận (0)