Hai hành tinh sáng nhất trong hệ mặt trời đứng cách mặt trăng chỉ 2 độ, và sáng rực suốt đêm qua, với sao Mộc ở bên trái và sao Kim ở bên phải. Hiện tượng này được gọi là "Sự trùng phùng của các hành tinh", xảy ra khi các hành tinh quay đến một vị trí gần như trùng nhau trên một đường thẳng. Nó sẽ không lặp lại cho đến tận năm 2012.
"Chưa bao giờ tôi thấy hình ảnh đẹp như chiều tối qua. Lúc đó khoảng 6 rưỡi. Mặt trăng sáng đến nỗi phần tối của nó cũng mờ mờ như khi có nguyệt thực, và bên trên đó không xa, ở hai đầu mũi của cánh cung mặt trăng là hai ngôi sao sáng rực. Tiếc quá tôi phải đón con nên không ngắm được cảnh này lâu", chị Hoa, nhà ở Mỹ Đình vui vẻ kể lại.
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch câu lạc bộ thiên văn học trẻ Việt Nam, cho biết: "đây không phải là hiện tượng quá hiếm, và cũng không tuân theo một chu kỳ nhất định. Ngoài việc 3 thiên thể giao hội nhau như lần này, người ta cũng thể chứng kiến hiện tượng giao hội (trùng phùng) của các hành tinh khác, nhưng độ sáng thì có thể không bằng".
Hình do bạn đọc Hải Thành chụp tại Quận 1, TP.HCM |
Cũng theo ông Sơn, hiện tượng này thường diễn ra trong 5-6 ngày, do vậy, ngoài buổi chiều tối hôm qua, người quan tâm có thể theo dõi tiếp trong các ngày tới. Sao Mộc và Sao Kim đã tiến lại gần nhau rất nhanh trong vài ngày qua, và nằm ở vị trí gần nhau nhất là vào đêm thứ hai.
Đặc biệt, do trời quang mây nên tối qua ở các tỉnh phía Bắc và Trung bộ bầu trời gần như trong vắt, khiến cảnh tượng trên trông rất rõ nét. Tại nhiều nơi khác như TP HCM, Bình Dương, Pleiku... cũng đều quan sát được.
Do có thể quan sát được trên diện rộng, nên ở các vị trí khác nhau, người xem sẽ thấy "mặt trăng cười" có hình dáng hơi khác nhau. Một số nơi, hai hành tinh nằm gần như thẳng trên hai đầu cánh cung mặt trăng, nên trông "mặt cười" khá chuẩn. Ở những nơi khác, hoặc đến thời điểm mặt trăng di chuyển về phía đông, "mặt cười" trông như hơi bị méo miệng do mặt trăng nằm lệch về bên phải một chút so với hai "con mắt".
Bình luận (0)