Tiến sĩ Amanda Hendrix, đồng lãnh đạo nhóm Roadmaps to Oceans World của NASA, vừa tuyên bố đây là một trong những cơ hội tốt nhất để con người gặp sự sống ngoài hành tinh ngay trong hệ mặt trời.
Mặt trăng Titan của Sao Thổ - ảnh: NASA
Theo bà Hendrix, ứng cử viên sáng giá nhất của chương trình chính là mặt trăng Titan của Sao Thổ. Sở hữu các đại dương ngầm và cả các hồ hydrocarbon trên bề mặt, thế giới này được kỳ vọng sở hữu các "dạng sự sống mê-tan điên rồ". Mê-tan lỏng từ lâu được cho là một trong các thành phần chính tạo nên đại dương, hồ và kể cả những cơn mưa trên thiên thể kỳ lạ này.
Dạng sự sống ngoài hành tinh này có thể rất khác so với những gì chúng ta tưởng tượng. "Không có người ngoài hành tinh đầu xanh nào bơi trên đó. Tôi nghĩ có thể có một số dạng sống đơn giản, trong một số thế giới đại dương của Hệ Mặt trời chúng ta" – bà nói.
Đây là một hướng tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh đầy triển vọng, sau khi các bằng chứng khoa học dần cho thấy ứng cử viên số 1 ngày xưa – Sao Hỏa – hiện nay tồn tại nhiều yếu tố quá khắc nghiệt cho sự sống. Hành tinh đỏ có lẽ phù hợp hơn cho việc tìm kiếm bằng chứng sự sống trong quá khứ, thời mà theo các bằng chứng để lại, nó còn là một nơi dễ sống và thậm chí có nước như trái đất.
Bà Hendrix lưu ý rằng ngoài Titan còn ít nhất 2 thế giới có thể sở hữu "dạng sự sống mê-tan điên rồ". Đó là Enceladus, mặt trăng lớn thứ 6 của Sao Thổ; và Europa, mặt trăng nhỏ nhất trong nhóm 4 mặt trăng Glilean của Sao Mộc.
NASA hiện đang lựa chọn 1 trong 2 kế hoạch nghiên cứu thế giới băng giá để nhanh chóng tiến hành: kế hoạch thứ nhất là Dragonfly – thả tàu đổ bộ lên Titan để nghiên cứu hóa học; kế hoạch thứ 2 là Comet Astrobiology Exploration SAmple Return (CEASAR), tức thăm dò và lấy mẫu vật sinh học không gian từ sao chổi.
Có thể ứng cử viên hạng 2 Europa sẽ được nhóm của bà Hendrix "chăm sóc" trước do lợi thế về khoảng cách. Một nhiệm vụ mang tên Europa Clip sẽ đưa một tàu vũ trụ lên thiên thể này, bay nhiều vòng quanh nó để nghiên cứu sâu về các luồng bọt và khí đang được phun lên từ đại dương ngầm của thiên thể.
Bình luận (0)