Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Nature Communications khiến nhiều người giật mình bởi khẳng định các phân tử axit béo hiện diện trong khoảng 10% hạt mịn trong không khí ở các thành phố lớn như London. Các hạt này là hạt nhân của việc tạo ra những đám mây, trong khi axit béo trong nó đến từ chính việc nấu ăn của con người.
Ăn nhiều dầu mỡ thực sự tác động không nhỏ đến bầu trời các thành phố lớn - ảnh: INTERNET
Các phân tử chất béo đã tự sắp xếp mình vào cấu trúc phức tạp của các hạt mịn trong khí quyển. Phân tử béo giúp các hạt mịn có mặt tồn tại lâu hơn bình thường, đồng thời làm chậm quá trình chuyển động bên trong hạt.
Nghiên cứu này được thực hiện bởi nhóm các chuyên gia về hóa học và khí hậu tại 3 trường đại học Anh quốc là Reading, Bristol và Bath. Theo Giáo sư Christian Pfrang, thành viên nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Reading, hiện vẫn chưa đánh giá được hoàn toàn tác động của việc các hạt mịn được chất béo giúp tồn tại lâu hơn, tuy nhiên dường như chúng khuyến khích sự hình thành mây bởi các phân tử béo đã hoạt động như những miếng bọt biển "bẫy" nước trong không khí rất hiệu quả.
Các nhà khoa học còn cho biết nếu các phân tử béo tiếp tục thải ra khí hậu nhiều hơn, thậm chí nó có thể góp phần làm chậm sự nóng lên toàn cầu do hỗ trợ việc tạo mây, mưa.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn nên tiêu thụ nhiều dầu mỡ để giúp trời mưa nhiều hơn bởi điều đó sẽ phá hoại cơ thể bạn. Hãy bảo vệ môi trường bằng những cách truyền thống, ví dụ như sử dụng nhiên liệu sạch, xử lý chất thải hợp lý…, việc làm của bạn sẽ thật sự tốt cho đôi bên và hiệu quả hơn.
Bình luận (0)