Đa số các trẻ mắc bệnh sẽ tử vong hoặc phải trải qua nhiều lần phẫu thuật, thời gian nằm viện kéo dài. Không ít trường hợp trong số đó có một đời sống tàn tật và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến tim bẩm sinh đã được đề cập, bao gồm cả vấn đề mẹ hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động trong lúc mang thai. Nhiều nghiên cứu trên người và động vật đã cho thấy việc tiếp xúc với khói thuốc lá kéo dài sẽ ảnh hưởng đến cân nặng lúc sinh cũng như gia tăng suất độ các dị tật bẩm sinh ở trẻ, trong đó có cả tim bẩm sinh.
Một nghiên cứu của Sadia Malik và cộng sự thực hiện tại Hoa Kỳ vừa được công bố đã đưa ra tình trạng dị tật tim ở trẻ khác nhau tùy thuộc vào người mẹ hút thuốc nhiều hay ít và ở giai đoạn nào. Thông tin về việc hút thuốc lá chủ động hay thụ động ở mẹ cũng đều được thu thập. Nếu mẹ có hút thuốc lá trong khoảng thời gian từ một tháng trước khi mang thai đến cuối tam cá nguyệt thứ nhất thì trẻ sinh ra sẽ gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim bẩm sinh liên quan bất thường ở vách tim. Nếu mẹ hút thuốc từ 25 điếu thuốc trở lên mỗi ngày thì trẻ sinh ra sẽ gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim bẩm sinh liên quan tắc nghẽn bên tim phải. Đối với trường hợp hút thuốc lá thụ động, không có khác biệt so với người hút thuốc lá chủ động.
Với kết quả như trên, nghiên cứu cho thấy chúng ta cần có những biện pháp cấp thiết nhằm giảm thiểu vấn đề hút thuốc lá cả chủ động và thụ động ở phụ nữ mang thai, bởi lẽ điều này sẽ giúp giảm tỉ lệ mắc tim bẩm sinh cũng như một số bệnh lý bẩm sinh khác, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ cũng như giảm thiểu tốn kém về nhân lực, kinh tế cho xã hội.
Bình luận (0)