xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mối nguy từ thuốc trừ sâu chôn lấp

Nhiên An

Nhiều nơi xử lý thuốc trừ sâu quá hạn sử dụng bằng cách chôn xuống đất nhưng đây là cách làm sai lầm

Báo Người Lao Động ra ngày 7-7 có bài phản ánh ở xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị có 46 người mắc bệnh tâm thần – là xã có số người mắc bệnh tâm thần nhiều nhất của tỉnh. Theo phỏng đoán của cán bộ y tế xã, nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần ở xã Cam Thủy có thể do nhiễm độc từ hai kho thuốc trừ sâu chôn ở hai thôn đầu và cuối xã. Trước thông tin trên, một số nhà khoa học đã có ý kiến về khả năng gây bệnh tâm thần từ thuốc trừ sâu.


Ảnh hưởng đến thần kinh


GS-TS Lê Huy Bá, Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường - Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho rằng muốn có kết luận chính xác cần phải lấy mẫu xét nghiệm, phân tích gien và nhiều nghiên cứu khác. Tuy nhiên, theo những thông tin có được, ông suy đoán rất có thể thuốc trừ sâu bị chôn dưới đất có ảnh hưởng đến hệ thần kinh của người dân ở khu vực này.

Bởi trong số những tác hại do thuốc trừ sâu gây nên có tác động đến hệ thần kinh. Thuốc trừ sâu có thể thâm nhập cơ thể qua 3 đường: Ăn uống, hô hấp và tiếp xúc qua da. Ở thể cấp tính, khi thuốc trừ sâu thâm nhập cơ thể có thể gây say, ói mửa, ngất xỉu... Về lâu dài, người bị nhiễm độc có biểu hiện bị tâm thần phân liệt, thường xuyên ở trạng thái mơ mơ màng màng, nửa tỉnh nửa mê (dạng nhẹ) hoặc lên cơn phá phách (dạng nặng).

Bệnh có thể phát sau khi tiếp xúc lâu dài với thuốc trừ sâu từ 7-8 năm hoặc 10-15 năm. Cũng có khi do lúc mới tiếp xúc, người ta đang trong tình trạng sức khỏe tốt, có thể át đi những ảnh hưởng của chất độc, khi cơ thể yếu thì mới bộc lộ.

img

Các nhà khoa học cho rằng có thể thuốc trừ sâu là một trong những nguyên nhân gây bệnh tâm thần. Trong ảnh: Anh Nguyễn Trai, một bệnh nhân tâm thần tại xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: L.AN

Ngoài ảnh hưởng lên hệ thần kinh, thuốc trừ sâu tích lũy trong cơ thể còn có khả năng gây nên bệnh ung thư. Trước đây, đã từng có một số vụ tương tự như ở huyện Yên Thanh, tỉnh Nghệ An, có nhiều người bị ung thư do ảnh hưởng từ kho thuốc trừ sâu chôn tại khu vực này.


PGS-TS Trần Văn Cường, Phó Chủ tịch Hội Tâm thần quốc gia VN, giải thích thêm: Bên cạnh chấn thương não (tai nạn giao thông, nhiễm trùng thần kinh...) thì nhiễm độc thần kinh (do tác động của các chất như rượu, ma túy và các loại chất độc-trong đó có thuốc trừ sâu) cũng dẫn đến bệnh tâm thần.

Trong thuốc trừ sâu, hóa chất diệt sâu bọ, diệt cỏ... thường có lân hữu cơ, có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc ngộ độc từ từ cho con người nếu nhiễm phải. Khi nhiễm độc thuốc trừ sâu có thể dẫn đến ngộ độc cấp tính với các biểu hiện như chóng mặt, mỏi mệt, nhức đầu, tăng tiết nước bọt và có thể gây nôn, tiêu chảy, khó thở, huyết áp tăng cao... Tình trạng này diễn ra là do cholinesteraza trong cơ thể bị ức chế không hồi phục được.

Thủ phạm gây ra hiện tượng này là các chất parathion, malathion, diazinon có trong thuốc trừ sâu. Ở thể mãn tính, các chất độc thâm nhập từ từ vào cơ thể, tại một thời điểm nào đó sẽ gây giảm cholinesteraza đột ngột trong huyết thanh và huyết cầu. Người bệnh lúc này sẽ bị run và co giật các sợi cơ trên cơ thể, mất khả năng điều chỉnh các động tác, hành động không còn chính xác, đôi khi thần thái trở nên sững sờ, nếu bị nặng sẽ hôn mê, khó thở do phù phổi cấp.


Xử lý bằng cách đốt ở nhiệt độ cao


GS-TS Lê Huy Bá cũng đưa ra một cảnh báo về việc hiện nay nhiều nơi ở nước ta đang lúng túng trong việc tìm phương pháp tiêu hủy thuốc trừ sâu quá hạn. Một số nơi chôn thuốc trừ sâu xuống đất giống như ở xã Cam Thủy. Đây là một phương pháp sai lầm vì có thể khiến chất độc ngấm xuống đất, vào mạch nước ngầm và lan ra các khu vực quanh đó.

Theo nghiên cứu, hiện nay chỉ có cách duy nhất để tiêu hủy các chất thải dạng này là đốt ở lò đốt 2 tầng với nhiệt độ cao, khoảng 1.200oC. “Theo tôi được biết, hiện nay, một số tỉnh vẫn đang loay hoay với một lượng thuốc trừ sâu lớn đã quá hạn sử dụng và vẫn chưa biết xử trí như thế nào. Đây chính là mối nguy tiềm ẩn vì những chất độc này có thể phát tán ở nhiều dạng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân” – GS-TS Lê Huy Bá nhấn mạnh.

Một trong những lý do khiến các nơi lúng túng trong việc xử lý thuốc trừ sâu quá hạn là chi phí xử lý rất đắt, cao gấp 10-15 lần so với các chất thải thông thường. Vì thế, để giải quyết vấn đề này cần có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý môi trường, quản lý chất thải độc hại và các chi cục bảo vệ thực vật ở từng địa phương.


Một cảnh báo khác là gần đây, xu hướng sử dụng các loại thuốc trừ sâu tác động lên hệ thần kinh có vẻ phổ biến. Với các loại thuốc này, khi phun lên côn trùng, dù chưa chết nhưng cũng bị tê liệt thần kinh, mất kiểm soát và không thể bám vào cây mà tự rơi xuống đất. Những loại thuốc này ảnh hưởng đến hệ thần kinh con người cao hơn các loại khác.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo