Mưa sao băng Perseid sẽ đạt đỉnh điểm vào đêm chủ nhật, 12-8 (theo giờ GMT) nhưng ngay từ đêm nay, bạn đã có thể ngắm Perseid với mật độ sao băng dần dày lên.
Theo NASA, mưa sao băng Perseid năm nay có thể quan sát được ở cả các quốc gia Bắc lẫn Nam bán cầu. Tuy nhiên, các quốc gia nằm ở vĩ độ trung bình ở Bắc bán cầu sẽ có được góc nhìn tốt nhất.
Mưa sao băng Perseid năm 2017 được chụp với kỹ thuật để thời gian phơi sáng dài tạo hiệu ứng vệt sáng kỳ ảo - ảnh: FLICKR VISION
Theo các tính toán của NASA, mưa sao băng đạt đỉnh vào lúc 20 giờ chủ nhật, 12-8 cho đến 8 giờ thứ hai, 13-8 theo giờ chuẩn GMT - tức 3 giờ đến 15 giờ thứ hai, 13-8 theo giờ Việt Nam. Trong giai đoạn này, mật độ sao băng có thể lên tới 75 sao mỗi giờ.
Tất nhiên, bạn chỉ có thể ngắm mưa sao băng vào ban đêm. Nhưng đừng vội buồn nếu giờ "đỉnh" của Perseid đa phần rơi vào buổi sáng ở các quốc gia bạn đang sống, vì mưa sao băng Perseid thật ra kéo dài đến tận 10 ngày.
Một ngày trước thời điểm mưa sao băng đạt đỉnh, mật độ của sao đã khá dày. Bạn hoàn toàn có thể ngắm mưa sao băng lộng lẫy vào đêm thứ bảy hay chủ nhật, dù bạn đang ở đâu trên thế giới.
Đỉnh điểm mưa sao băng năm 2017 - ảnh: SKY EARTH
Theo chuyên gia thiên văn Bill Cooke đến từ NASA, việc ngắm mưa sao băng lần này sẽ dễ dàng hơn nhờ những đêm mật độ sao dày đặc, nhất là những đêm trời tối đen, không trăng. Chu kỳ của trăng rất thuận lợi cho Perseid năm nay và điều đó khiến Perseid trở thành mưa sao băng đẹp nhất trong năm 2018.
Theo các chuyên gia, để ngắm mưa sao băng, bạn chỉ cần bước ra ngoài bầu trời đêm ở một nơi trống trải, đủ để ngước nhìn lên trời.
Tuy nhiên, mắt người sẽ mất khoảng 20 phút để thích nghi với bầu trời đêm và quan sát rõ mưa sao băng. Bạn không nên dùng điện thoại di động hay các thiết bị phát sáng để giải trí trong lúc chờ ngắm sao băng vì như vậy, mắt bạn sẽ không bao giờ quen được. Hãy tắt mọi thiết bị, ngồi thư giãn, ngắm bầu trời, dần dần bạn sẽ tận hưởng được vẻ đẹp của Perseid.
Ngoài ra, tên gọi của mưa sao băng - Perseid- cũng cung cấp gợi ý để bạn ngắm nó: Khi mưa sao băng xảy ra, những vệt sáng trông như tỏa ra từ chòm sao Perseus.
Chòm sao Perseus
Mưa sao băng Perseid được tạo ra khi trái đất của chúng ta đi ngang vùng bụi và mảnh vụn trên đường đi của sao chổi Swift-Tuttle, vật thể có chiều rộng lên tới 26 km đã nhiều lần lướt qua gần trái đất. Lần cuối nó đi qua gần trái đất là năm 1992, lần tiếp theo đến tận năm 2126. Tuy nhiên, hằng năm, trái đất vẫn đi ngang vùng bụi mà sao chổi này vừa qua và con người lại có dịp ngắm mưa sao băng. Mưa sao băng Perseid thường kéo dài nhiều ngày từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8 hằng năm.
Quỹ đạo của sao chổi (màu trắng) vương đầy bụi và mảnh vụn - ảnh đồ họa của NASA
Ở một số nơi trên thế giới, bạn có thể quan sát được cả Sao Hỏa và Sao Mộc trong mưa sao băng. Hai hành tinh này vốn đang ở khá gần trái đất của chúng ta. Sao Hỏa tỏa ánh sáng đỏ, trong khi Sao Mộc tỏa ánh sáng vàng nhạt. Đây là hai ngôi sao phát sáng ổn định, không nhấp nháy hiếm hoi trên bầu trời.
Một số ảnh chụp về mưa sao băng Perseid năm 2017:
Ảnh: Eliot Herman
Ảnh: THE WASHINGTON POST
Ảnh: Hrvoje Crnjak
Bình luận (0)