Công trình dẫn đầu bởi PGS Cheng Li từ Đại học Michigan (Mỹ) đã sử dụng hệ thống quan sát vô tuyến Very Large Array đặt tại New Mexico để nhìn xuyên qua lớp sương mù phía trên của Sao Thổ, với hy vọng tìm thấy tàn dư hóa học của một siêu bão từng được quan sát năm 2010.
Đó là một chuỗi siêu bão bùng phát liên tục, chồng lấn trên Sao Thổ tận hơn 100 năm trước, vẫn có thể nhìn thấy trong bầu khí quyển của hành tinh ngày nay, chứ không phải một thứ gì mới được tạo ra vài năm hay 1 thập kỷ.
Điều đó chỉ thực sự lộ diện dưới hình ảnh vô tuyến, thứ thể hiện được các dị thường hóa học dai dẳng là tàn tích của các siêu bão cổ xưa, có vẻ đã tan nhưng thật ra vẫn còn khuấy động bầu khí quyển, kết hợp với những hiện tượng mới hơn.
Như vậy có thể nói thứ mà họ nhìn vào không phải là siêu bão năm 2010 như tưởng tượng, mà là một siêu bão dai dẳng 100 năm tuổi vẫn tiếp tục hoạt động.
Giả thuyết lớn nhất cho điều này là việc các cơn bùng phát của siêu bão đã thúc đẩy một số quá trình vận chuyển amoniac bí ẩn, kéo khí amoniac từ tầng khí quyển trên của Sao Thổ vào sâu bên dưới, có thể bằng hình thức những cơn mưa đá.
Những quả bóng amoniac rơi vào bầu khí quyển trước khi bay hơi trở lại, liên tục, tạo nên một quá trình hỗn độn kéo dài hàng trăm năm nay sau khi một cơn bão biến mất trong hình ảnh thông thường.
Theo PGS Li, kết quả trên không chỉ giải thích sự thật về những "Đốm Trắng Lớn" hiện ra khoảng 20-30 năm một lần ở bán cầu bắc Sao Thổ, mà còn thách thức chúng ta về các ranh giới khí tượng học.
Từ năm 1876, các nhà khoa học đã quan sát được 6 "cơn bão lớn" trên Sao Thổ, mà qua công trình này cho thấy có thể là 6 đợt bùng phát của một con quái vật lớn hơn, dai dẳng, bao trùm tất cả suốt 100 năm.
Nghiên cứu vẫn tiếp tục bởi siêu bão nói trên vẫn không ngừng hé lộ các tín hiệu vô tuyến dị thường mà các nhà khoa học chưa thể giải thích hết.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!